Thiếu 40.000 giáo viên trong khi... thừa hơn 16.000 giáo viên
tháng 6 01, 2018Tập huấn phương pháp giáo dục theo định hướng STEM cho giáo viên tại TP.HCM - Ảnh: N.HÙNG
Tuyển dụng, sử dụng giáo viên: giám sát chưa chặt
Theo báo cáo của Bộ GD- ĐT- cơ quan thường trực Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực - hiện nay, về tổng quan, trên toàn quốc, giáo viên tiểu học, THCS, THPT về cơ bản đã đủ và thừa.
Tuy nhiên, vẫn có chuyện thừa, thiếu cục bộ: thiếu giáo viên ở một số môn học như tin học, ngoại ngữ ở bậc THCS và tiểu học (do nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày) và thừa giáo viên mỹ thuật, âm nhạc bậc tiểu học.
Đặc biệt, theo thống kê của các địa phương, toàn quốc hiện thiếu hơn 5.300 giáo viên tiểu học, thừa hơn 12.000 giáo viên THCS và gần 4.300 giáo viên THPT.
Đối với bậc mầm non, cả nước thiếu hơn 34.600 giáo viên.
Hiện tượng này xuất phát từ nhu cầu gửi trẻ tăng cao, nhưng do đang thực hiện tinh giản biên chế nên tổng biên chế giáo viên của các địa phương có xu hướng giảm.
Mặt khác, số lượng giáo viên tuyển ở các bậc học trên- đặc biệt THCS, THPT- có xu hướng thừa so với nhu cầu, nên không còn biên chế cho bậc mầm non.
Bộ GD- ĐT thừa nhận để xảy ra bất cập này có trách nhiệm của các bộ ngành, trong đó có Bộ GD- ĐT và các địa phương.
Một trong những nguyên nhân đẩy đến việc thừa, thiếu cục bộ là vì biến động về quy mô trường, lớp do cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp...
Ngoài ra, hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở, phòng GD-ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên, nên không chủ động được trong điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học.
Còn các cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp cũng chưa có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục đối với công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 115/2010/NĐ-CP theo hướng phân cấp, giao các sở, phòng GD-ĐT địa phương chủ trì công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông.
Quy hoạch lại chỉ còn 10 trường sư phạm
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có 13 trường đại học chuyên về sư phạm và 61 trường đại học đa ngành có đào tạo sư phạm.
Nếu tính cả đào tạo trung cấp và cao đẳng thì cả nước hiện có khoảng 100 trường được phép đào tạo giáo viên. Hàng năm, số lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp đều tăng.
Theo kế hoạch, tới năm 2020 quy mô đào tạo sư phạm chiếm 10% trong tổng số sinh viên tuyển mới. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến 2016, chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm luôn cao hơn mục tiêu đề ra.
Bộ thừa nhận những năm gần đây "chất lượng đầu vào sư phạm nhìn chung còn thấp, không thu hút được học sinh xuất sắc theo học ngành sư phạm".
Theo Bộ GD-ĐT, quy hoạch hệ thống các trường sư phạm không còn phù hợp, công tác dự báo nhu cầu nhân lực sư phạm còn hạn chế, chưa sát với thực tế.
Chỉ tiêu đào tạo của các trường sư phạm chủ yếu dựa trên số lượng giảng viên và cơ sở vật chất của nhà trường mà chưa có sự kết nối chặt chẽ với các địa phương để xác định số lượng giáo viên các bậc học, các môn học cần bổ sung.
Trước thực trạng này, Bộ GD-ĐT đang xây dựng đề án quy hoạch lại các trường đào tạo sư phạm để hình thành 10 cơ sở đào tạo giáo viên trung tâm đủ năng lực đào tạo giáo viên cho toàn ngành.
Các cơ sở đào tạo khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm và tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho toàn hệ thống.
Toàn bộ chương trình đào tạo của các trường sư phạm sẽ được chuẩn hóa và sử dụng đồng bộ trong toàn hệ thống để đảm bảo chất lượng đào tạo.
from Kinh Te Viet Nam https://tuoitre.vn/thieu-40-000-giao-vien-trong-khi-thua-hon-16-000-giao-vien-20180601181201467.htm
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét