Cẩn trọng với 'bẫy nợ' vay tín chấp từ công ty tài chính
tháng 8 21, 2017Các công ty tài chính tung ra nhiều gói ưu đãi, quảng bá ngay tại các trung tâm mua sắm để hút khách nhưng người vay cần cẩn trọng để tránh vượt quá khả năng chi trả - Ảnh: Tự Trung |
Các công ty tài chính là định chế phổ biến ở Việt Nam mấy năm nay, cho vay nhanh, dễ hơn so với ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều người vay vẫn chưa quen với việc phải đọc kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký.
Lãi suất 32%, dân vẫn vay mua điện thoại, tivi...
Ông Nguyễn Thanh Hiệu (Hà Nội) cho biết cách đây 3 tháng ông ký hợp đồng vay 50 triệu đồng của một công ty tài chính để mua tivi, nội thất cho căn chung cư vừa nhận.
Thời hạn vay là 1 năm, thủ tục vay chỉ cần chứng minh nhân dân, hộ khẩu và bản chứng minh thu nhập, không thế chấp.
Tiền vay nhận được ngay sau 1 ngày kể từ khi ký hợp đồng... Thủ tục nhanh hơn ngân hàng nhưng theo ông Hiệu, lãi suất rất cao.
“Mỗi tháng tôi phải trả 4,8 triệu đồng. Tháng nào trả chậm sẽ bị phạt 400.000 đồng/lần. Như vậy, với số tiền vay 50 triệu đồng, sau 12 tháng tôi phải trả hơn 66 triệu đồng. Tính ra lãi suất ngót 32%/năm” - ông Hiệu nói.
Chị Hoài Thu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết điều kiện cho vay của công ty tài chính ngày càng nới dần. Trước đây chị có vay để mua điện thoại và đã trả hết, được công ty chào mời vay thêm.
“Tôi không cần đến công ty mà giao dịch trực tuyến, có thể nhận tiền mặt tại ngân hàng hoặc bưu điện chỉ trong vòng 90 phút” - chị Hoài Thu kể.
Dù đã có rất nhiều phản ảnh về cách đòi nợ “gắt” và không vui với lãi suất nhưng ông Nguyễn Thanh Hiệu công nhận ông cũng như rất nhiều người đã xem hợp đồng và chấp thuận vay qua công ty tài chính vì thủ tục vay đơn giản.
Ông Đặng Thanh Hùng, Giám đốc trung tâm tiếp thị Công ty tài chính FE Credit, cho rằng khi các ngân hàng thương mại thường cho vay các khoản lớn, công ty tài chính cho vay từ vài triệu đến vài chục triệu đồng để khách có thể mua đồ dùng thiết yếu và cả đi du lịch mà không cần thế chấp.
Ông Hùng xác nhận biểu lãi suất của các công ty tài chính bình quân từ 20-60%/năm vì không được huy động vốn từ dân cư mà thường vay ngân hàng. Lãi suất cũng phải tỉ lệ thuận với rủi ro khi thủ tục cho vay đơn giản.
Theo báo cáo của một công ty tài chính, năm 2016 công ty này đã giải ngân được tới 1,5 tỉ USD. Ông Nguyễn Tú Anh - phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - công nhận lĩnh vực cho vay tiêu dùng tại Việt Nam trong 5 năm trở lại đây tăng trưởng vượt bậc, bình quân tới 29%/năm.
Điều này phản ánh xu hướng tất yếu trong bối cảnh của Việt Nam khi kinh tế tăng trưởng đều ở mức trên 6%, dân số trẻ có nhu cầu vay lớn.
Ông này cũng nhấn mạnh cho vay tiêu dùng sẽ dần được mở rộng ra tới nông dân, lao động phổ thông.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là có tổ chức cho vay tiêu dùng đang chạy theo số lượng cho vay trước sức ép giành thị phần.
Cẩn trọng với bẫy nợ từ các điều khoản mập mờ
Theo ông Hồ Tùng Bách - Phó trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương), cho vay tiêu dùng đang phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, chủ yếu tập trung vào việc nhiều đơn vị cho vay cung cấp thông tin cho người tiêu dùng trước khi ký hợp đồng và nội dung thỏa thuận trên hợp đồng không thống nhất, lãi suất cho vay còn cao.
Ông Nguyễn Tú Anh đề nghị cần có quy định rõ hơn bởi nếu hàng loạt khách hàng rơi vào bẫy nợ nần, không có khả năng trả nợ thì chính các tổ chức cho vay tiêu dùng sẽ phải trả giá.
Để bảo vệ quyền lợi của các bên, nhất là khách vay, hầu hết các nước đều cấm đưa các thông tin khó hiểu, mập mờ vào hợp đồng.
Bên cạnh đó, về số vốn vay, theo ông Tú Anh, ngay với thẻ tín dụng, Malaysia cũng quy định hạn mức tín dụng không được quá 2 lần thu nhập hằng tháng của chủ thẻ.
Singapore cũng cho phép người đi vay kiện lại công ty tài chính và ngân hàng nếu như có hành vi không đúng khi đòi tiền...
Luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty luật BASICO, khuyến cáo trước khi đặt bút ký hợp đồng, người vay cần cân nhắc kỹ khả năng trả nợ.
Bởi vay tiêu dùng, nếu chậm trả nợ lãi sẽ tăng nhanh, sau một thời gian lãi có thể nhiều hơn tiền gốc.
Ông Đặng Thanh Hùng cũng chia sẻ theo quy định, công ty tài chính phải công khai mẫu hợp đồng tại website của mình để khách hàng nghiên cứu. Vì vậy, khách hàng nên tìm hiểu trước.
Cho vay tiêu dùng sẽ còn tăng?
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, cho biết cho vay tín dụng tiêu dùng cuối năm 2016 đạt khoảng 646.000 tỉ đồng, chiếm 11,7% tổng dư nợ nền kinh tế. Chuyên gia này cũng đánh giá tỉ trọng cho vay tiêu dùng sẽ tăng lên bởi dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người tăng, tỉ lệ chi cho tiêu dùng cá nhân/GDP của Việt Nam cũng cao, khoảng 67%. Một số chuyên gia cho rằng cần tăng quản lý để các hoạt động cho vay, đòi tiền của công ty tài chính đúng chuẩn mực cho phép. |
from Kinh Te Viet Nam http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170821/can-trong-voi-bay-no-vay-tin-chap-tu-cong-ty-tai-chinh/1372333.html
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét