Cà phê chủ nhật: Tệ nạn phong bì
tháng 10 01, 2017Tôi nói cảm ơn và từ chối, ông tưởng tôi chê ít và hỏi sao vậy, tôi trả lời báo đã trả lương đủ rồi, đi làm là nhiệm vụ, đâu cần phải có "phong bì".
Nguyễn Trường Uy
Chuyện đã lâu, trong phong bì những năm tháng đó cũng chỉ đúng là ít tiền vừa một bữa cơm nước. Còn bây giờ, nó đã "nâng cấp" thành "tầm vóc" mới, trong nhiều lĩnh vực, thời sự nhất là lĩnh vực thanh tra doanh nghiệp.
Lĩnh vực thanh tra doanh nghiệp vẫn tồn tại nhiều tiêu cực dù đã có yêu cầu mỗi năm chỉ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần.
Đã có rất nhiều doanh nghiệp phàn nàn về những "quy trình" thanh tra, kiểm tra gọi là "định kỳ, công khai" báo trước cho các doanh nghiệp, thường nhắm vào các doanh nghiệp ai cũng biết là "sờ đâu cũng ra sai phạm".
Báo chí đã từng thông tin những vụ cán bộ thanh tra hù dọa để đưa các doanh nghiệp vào "rọ", "bóp cổ" bằng các vi phạm mà doanh nghiệp sẽ được lờ ngay khi đã chấp nhận "nôn" ra "tiền cơm nước".
Những tiêu cực đã thành tệ nạn.
Bây giờ người ta đã tinh vi hơn, không dại gì chuyển khoản qua ngân hàng vì sợ lộ dấu vết, tất cả đều là tiền tươi, được giấu trong phong bì trắng tinh và được ngụy trang bằng tên gọi mỹ miều: tiền cà phê, tiền cơm trưa, tiền cơm nước...
Bây giờ, sau vụ một quan chức đi công cán địa phương trở về để quên ở sân bay vali phong bì đầy tiền, điều tra ra thấy tên của doanh nghiệp trên phong bì, người ta có vẻ đã không ghi tên mình lên phong bì nữa. "Tiền cơm nước" thì không ghi tên gì, cứ "tiền tươi thóc thật", tiền trao cháo múc.
Bây giờ, cũng không còn kín đáo, các "giao dịch" đó thường diễn ra ở phòng khách sạn, nơi các quan thanh tra trú ngụ khi đi kinh lý địa phương.
Thời điểm căng thẳng nhất với danh nghiệp khi bị thanh tra là lúc đoàn thanh tra soạn văn bản kết luận, thường là soạn ở khách sạn. Nếu có đưa "phong bì" thì lúc đó là thời điểm nhộn nhịp nhất!
Một chủ doanh nghiệp kể
Và bây giờ, có những đoàn thanh tra đi "thanh tra" với mục tiêu là những "giao dịch" đó, doanh nghiệp khi bị "thanh tra" là lo "phong bì" trước tiên thay vì lo không sai phạm...
Lòng tham của quan chức thì nơi nào cũng có, việc lợi dụng lòng tham đó trong môi trường u u minh minh cũng không lạ với doanh nhân.
Nhiều quốc gia vẫn có thể phòng tránh và chế ngự được tiêu cực đó xuất hiện hoặc phát triển bằng hệ thống luật pháp chặt chẽ và môi trường kinh doanh lành mạnh. Ví như vấn đề nan giải ở ta là công ty dược chi phối đơn thuốc của bác sĩ thì luật và các ràng buộc đạo đức ở Mỹ chặt chẽ và nghiêm đến mức bác sĩ không thể nhận bất cứ "quà" gì từ công ty dược, từ chuyến đi du lịch cho đến cây bút nhỏ có logo của hãng.
Vừa rồi gặp lại ông giám đốc năm nào, chúng tôi bây giờ đã là bạn bè. Ông nhắc chuyện xưa và nói rằng thời của chúng tôi mới xuất hiện "phong bì" . Còn với thế hệ trước nữa, không ai dám nhận "phong bì" hay đồng tiền không phải của mình là chuyện bình thường, và đặc biệt là nguồn tiền "có ý đồ" thì sẽ rất cắn rứt lương tâm và mang cảm giác tội lỗi kéo dài.
Còn bây giờ, sau bao nhiêu năm, ông đã quá kinh nghiệm tiếp đón thanh tra. Ông nói với nhiều người bây giờ "phong bì" là chuyện thường, thậm chí là niềm tự hào: với người đưa thì tự hào rằng mình "khéo léo", "khôn ngoan" mua chuộc được người khác; với người nhận thì tự hào vì từ "phong bì" đó mà có nhiều tiền, có xe hơi, nhà lầu, con cái du học...
Tất cả đều tính vào chi phí của doanh nghiệp, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của công nhân.
from Kinh Te Viet Nam http://tuoitre.vn/ca-phe-chu-nhat-te-nan-phong-bi-20171001102906158.htm
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét