Sáng tạo hay bắt chước, khởi nghiệp Việt nên chọn hướng đi nào?
tháng 10 02, 2017Ông Dũng Nguyễn, giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Thái Lan.
Danh họa Pablo Picasso từng có câu nói nổi tiếng: “Good artists copy, great artists steal”, (tạm dịch: Nghệ sĩ giỏi biết bắt chước, nghệ sĩ vĩ đại thậm chí ăn trộm luôn).
Còn Dave McClure, nhà đầu tư thiên thần người Mỹ đã chắp cánh cho hàng trăm startup, cũng có câu nói tương tự: “It turns out all you gotta do is copy great shit 99 percent then innovate one percent every month and you can beat the crap outta most people”, (tạm dịch: Thực ra bạn có thể bắt chước đến 99% và sáng tạo chỉ 1% thôi cũng đủ để sản phẩm đánh bật các đối thủ khác trên thị trường).
Có thể thấy, bắt chước ý tưởng không hẳn là xấu và cũng hiếm có mô hình thành công nào ra đời từ một ý tưởng nguyên gốc. Mọi người vẫn nghĩ phiên bản iPhone đầu tiên xuất hiện năm 2007 là sự đột phá và sáng tạo. Tuy nhiên, điểm sáng tạo duy nhất chính là Apple đã biết cách chắp nối những công nghệ đã có vào cùng một thiết bị. Ngay cả Facebook hay Google cũng không phải mạng xã hội đầu tiên hay công cụ tìm kiếm đầu tiên trên thế giới.
Tại buổi huấn luyện khởi nghiệp do TFI tổ chức với chủ đề “Vision and Idea” – Tầm nhìn và Ý tưởng, ông Dũng Nguyễn - Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent, một lần nữa khẳng định lại quan điểm trên khi cho rằng không có ý tưởng hay, chỉ có cách làm mới. “Mọi ý tưởng các bạn khởi nghiệp nghĩ ra thực chất đều đã có rồi, vì thế cách đơn giản nhất để thực hiện ý tưởng là hãy bắt chước mô hình thành công nhất”.
Trước khi bắt tay đưa một mô hình, ý tưởng nào đó từ nước ngoài về Việt Nam, ông Dũng khuyên các bạn trẻ nên xem xét ý tưởng có giải quyết được vấn đề gì của thị trường không, sau đó là xác định thị trường cho vấn đề giải quyết có đủ lớn không.
Độ lớn ở đây sẽ được xác định bởi dòng tiền thuộc mô hình đó. Ví dụ, giống như thị trường âm nhạc tại Việt Nam, mặc dù số người dùng rất lớn, nhưng số người dùng chịu trả tiền lại vô cùng nhỏ, hai ông lớn trong ngành như Nhaccuatui và Zing Mp3 cũng chỉ có thể chủ yếu kiếm tiền từ quảng cáo. Trái ngược với thị trường US, Soundcloud hay Itunes dù cũng có hàng triệu người dùng nhưng dòng tiền lại rất đều đặn, nên không thể đưa những mô hình này về Việt Nam được.
Bên cạnh đó, không phải phải ý tưởng nào đưa về Đông Nam Á cũng thành công, và có những mô hình chỉ có thể phát triển tại khu vực này. Điển hình như Claim Di - Startup Thái Lan đã gọi vốn 2 triệu USD từ ứng dụng bảo hiểm xe hơi.
“Vì thế, trước khi thực hiện hóa ý tưởng, founder (người sáng lập-PV) nên xem lại động lực khởi nghiệp của mình là gì; xem xét mô hình đã có ai làm chưa, nếu thị trường đã có ông lớn thì liệu mình có làm nổi không; và ý tưởng có khả năng thực hiện hóa không”.
Đồng quan điểm này, ông Trần Việt Đức - General Partner của IDG Việt Nam cho biết ý tưởng tốt phải là ý tưởng có khả năng tăng trưởng, có dòng tiền nhanh, và đủ khả thi để thực hiện. Ông chia sẻ thêm rằng các mô hình khởi nghiệp thường mất từ 7-10 năm để chứng minh được giá trị, vì thế người sáng lập nên nhìn vào thị trường lớn, nếu thị trường dưới 50 triệu USD thì không nên làm.
Cũng tại buổi hội thảo, các chuyên gia cùng nhau thảo luận về vấn đề sau khi có ý tưởng, startup có cần tầm nhìn để phát triển?
Ông Phạm Minh Tuấn, CEO Topica Edtech Group.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, người sáng lập, CEO của Topica Edtech Group, khởi nghiệp trong thời gian đầu không cần quá chú trọng vào tầm nhìn. Ông cho biết trong 5 năm đầu làm khởi nghiệp, Topica chưa có tầm nhìn, cái quan trọng là Topica có một mô hình đủ tốt để có thể tiếp tục tăng trưởng và vươn lên đứng đầu Đông Nam Á, đây sẽ là điều mà nhà đầu tư quan tâm.
Nhận định về thị trường hiện nay, dựa trên báo cáo gọi vốn từ TFI năm 2016, ông cho rằng các nhà đầu tư đang ngày càng cẩn trọng hơn trong từng thương vụ, vì thế chỉ người sáng lập chỉ cần giải quyết tốt bài toàn về mô hình thì sẽ không thiếu nhà đầu tư muốn rót vốn hợp tác.
“Startup hiện tại nên theo đuổi mô hình khởi nghiệp phát triển dựa trên nền tảng công nghệ. Mọi ngành truyền thống hầu hết đều đã có người làm vì thế sẽ có rất ít sân chơi dành cho người trẻ để tăng trưởng và đột phá”.
“Hãy khởi nghiệp với mô hình công nghệ, công nghệ hiện tại đang ngày càng xoáy sâu vào mọi ngóc ngách của nhu cầu con người, vì thế sẽ không thiếu ý tưởng để bạn lựa chọn”, CEO Topica kết luận.
Theo Trí Thức Trẻ
from Kinh Te Viet Nam http://cafebiz.vn/sang-tao-hay-bat-chuoc-khoi-nghiep-viet-nen-chon-huong-di-nao-20171002173328913.chn
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét