Đề nghị miễn nhiệm Thừa phát lại vi phạm trong lập vi bằng
tháng 12 02, 2017Bìa của một vi bằng - Ảnh: A.NHÂN
Sở Tư pháp TP.HCM cho hay vừa gửi công văn đến Bộ Tư pháp đề nghị miễn nhiệm chức danh thừa phát lại đối với ông Nguyễn Đức Thịnh, trưởng Văn phòng thừa phát lại Gò Vấp.
Ông Thịnh liên quan đến các vi phạm trong việc lập 85 vi bằng cho bà Nguyễn Thị Giang để thực hiện tặng cho quyền sử dụng đất tại P.Hiệp Thành, Q.12 (TP.HCM).
Bà Giang có khu đất tại P.Hiệp Thành không có giấy tờ chủ quyền được thừa nhận nhưng nhiều người dân vẫn nhận chuyển nhượng các lô đất của bà thông qua hợp đồng tặng cho có lập vi bằng.
Đây là nguyên do phát sinh tranh chấp, dẫn đến việc khiếu nại ra tận các cơ quan trung ương. UBND TP phải chỉ đạo Sở Tư pháp lập đoàn kiểm tra, xử lý.
Theo kết luận kiểm tra, việc lập 85 vi bằng do thừa phát lại Nguyễn Đức Thịnh (trưởng văn phòng) và thừa phát lại Đồng Quốc Tuấn (làm việc theo chế độ hợp đồng) thực hiện có vi phạm về trình tự, thủ tục quy định.
Riêng ông Nguyễn Đức Thịnh trực tiếp vi phạm trong việc lập 78 vi bằng. Trong đó có hai vi bằng không trực tiếp chứng kiến sự kiện nhưng vẫn lập vi bằng.
Quá trình lập vi bằng không giải thích rõ, đầy đủ về giá trị pháp lý của vi bằng, gây ngộ nhận giữa vi bằng của thừa phát lại với văn bản công chứng, chứng thực.
Xét thấy vi phạm của ông Nguyễn Đức Thịnh là cố ý với số lượng lớn, nên Sở Tư pháp có công văn đề nghị Bộ Tư pháp miễn nhiệm thừa phát lại đối với ông Thịnh.
Sở Tư pháp còn đề xuất UBND TP chấp thuận cho sở này báo cáo xin ý kiến Bộ Tư pháp về việc tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với Văn phòng thừa phát lại Gò Vấp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thịnh cho biết khi bà Giang và một số người đến nhờ lập vi bằng thì bà Giang không có đủ giấy tờ chủ quyền. Cho nên bà Giang và những người liên quan nhờ lập vi bằng ghi nhận thỏa thuận hứa tặng cho đất, sau khi làm xong giấy tờ chủ quyền sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý về tặng cho đất. Ông không biết những người này có dùng vi bằng để "lách" trong việc chuyển nhượng đất.
Vi bằng là gì?
Vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Trên thực tế, vi bằng là một tài liệu bằng văn bản, có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo... Trong tài liệu đó, thừa phát lại mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp.
Vi bằng có giá trị chứng cứ cao hơn vai trò "người làm chứng". Vi bằng không có giá trị thay thế cho văn bản công chứng.
from Kinh Te Viet Nam https://tuoitre.vn/de-nghi-mien-nhiem-thua-phat-lai-vi-pham-trong-lap-vi-bang-20171201100538985.htm
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét