Công ty của "nữ hoàng hột vịt" Ba Huân nhận khoản đầu tư "khủng" trị giá 32,5 triệu USD từ VinaCapital
tháng 2 27, 2018VOF vừa công bố khoản đầu tư 32,5 triệu USD để mua lại một số lượng cổ phần thiểu số đáng kể của Công ty CP Ba Huân, một doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến thịt và trứng gia cầm tại Việt Nam. VOF cho biết quỹ sẽ đầu tư khoản vốn bổ sung trong 12 tháng tiếp theo dựa trên những mốc quan trọng sẽ đạt được theo thỏa thuận của 2 bên.
Vựa trứng của "Nữ hoàng hột vịt"
Với hơn 30% thị phần trứng thanh trùng tại thị trường Việt Nam, Ba Huân là thương hiệu nổi tiếng được đông đảo người tiêu dùng biết đến.
Nữ doanh nhân Phạm Thị Huân (sinh năm 1954 tại Long An), Giám đốc điều hành công ty này là 1 trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn, được mệnh danh là "nữ hoàng hột vịt" của miền Tây.
Từ năm 1970, bà Ba Huân bắt đầu tự mình đi buôn trứng từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn. Năm 1982, bà lập vựa trứng ở TP.HCM lấy tên Ba Huân.
Năm 1985, vựa trứng Ba Huân được chuyển đổi thành cơ sở thu mua và phân phối trứng, năm 2000 chuyển lên thành doanh nghiệp.
Công ty này hiện có 2 trang trại chăn nuôi gia cầm, gồm 1 trang trại chăn nuôi hơn 1,5 triệu con gà đẻ trứng thương phẩm và 1 trang trại chăn nuôi gà thịt với hơn 400 ngàn con. Các trang trại này đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của Việt Nam (VietGap) và quốc tế (HACCP), được trang bị hệ thống cho ăn bán tự động, thông gió và sưởi ấm.
Với việc đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại từ châu Âu và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, Ba Huân sở hữu chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi và chế biến thịt, trứng và thực phẩm, cho phép kiểm soát chất lượng sản phẩm qua chuỗi giá trị đảm bảo độ tươi, sạch, an toàn.
Mỗi ngày Ba Huân cung cấp ra thị trường hơn 1,7 triệu quả trứng, 15 ngàn con gà và chế biến hơn 25 tấn thịt gia cầm tươi sống.
Sản phẩm của công ty được phân phối tại hơn 2.000 điểm bán trên cả nước qua các kênh tạp hóa, đại lý và siêu thị lớn nhỏ, đồng thời cung cấp nguyên liệu cho các cửa hàng của các tập đoàn fastfood đa quốc gia tại Việt Nam.
Tháng 10 năm ngoái, bà Ba Huân vinh dự nhận giải thưởng "Nông dân điển hình quốc tế", do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc - FAO trao tặng. Bà là đại diện duy nhất của Việt Nam và cũng là một trong 5 nông dân được lựa chọn từ 45 quốc gia để trao thưởng.
Đây là giải thưởng quốc tế uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp dành cho những nông dân có mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, đóng góp lớn cho cộng đồng. Với tiêu chí này, thật khó tìm người phù hợp hơn bà Ba Huân.
Năm 2018, Ba Huân đặt kì vọng doanh thu sẽ vượt 90 triệu USD.
Thị trường rộng mở
Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành của VOF đánh giá: "Ba Huân đã trở thành 1 trong những thương hiệu thực phẩm tươi sống hàng đầu Việt Nam. An toàn thực phẩm đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng cả nước. Sự tăng trưởng của Ba Huân có được là nhờ uy tín của doanh nghiệp này trong việc sản xuất các loại thực phẩm chất lượng cao và an toàn. Công ty có lịch sử phát triển với sự đổi mới, đội ngũ quản lý có tầm nhìn rõ ràng và một thị trường đang phát triển nhanh chóng".
Theo Poultry World, sản lượng tiêu thụ trứng gia cầm đang tăng mạnh ở Việt Nam, phổ biến là trứng gà và trứng vịt. Theo Ngân hàng DBS, lượng tiêu thụ thịt gà cũng đang tăng lên với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 8,6%, các nhà sản xuất địa phương đang phải tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu này. Đến năm 2021, dự kiến lượng tiêu thụ thịt gà bình quân đầu người sẽ tăng lên lên gần 17kg mỗi năm từ mức 8kg của năm 2015, do tốc độ đô thị hóa và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng với thu nhập khả dụng cao lên. Việc chăn nuôi gia cầm sẽ vẫn khó mở rộng quy mô bởi sự phát triển manh mún của các trang trại nhỏ lẻ.
Đại diện quỹ VOF cũng đánh giá: "Khoản đầu tư này phù hợp với chiến lược tập trung vào những công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế hưởng lợi từ tăng trưởng trong nước của chúng tôi. Các công ty thực phẩm và đồ uống của Việt Nam nói riêng có những cơ hội tăng trưởng to lớn trước mắt họ vì người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm chất lượng cao và lành mạnh".
Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới sửa đổi của CTCP Ba Huân, bà Ba Huân hiện đang nắm 63,96% cổ phần của công ty. Quỹ Hawke Investment nắm 16,39% cổ phần. Như vậy, Vinacapital đã định giá công ty Ba Huân tại mức giá gần 200 triệu USD. Mức định giá này cao gấp đôi giá trị thị trường của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC), một doanh nghiệp cùng ngành đang chiếm 20% thị phần tại các tỉnh miền bắc và miền trung, chiếm 6% tổng thị trường của cả nước.
Theo Trí Thức Trẻ
from Kinh Te Viet Nam http://cafebiz.vn/cong-ty-cua-nu-hoang-hot-vit-ba-huan-nhan-khoan-dau-tu-khung-tri-gia-325-trieu-usd-tu-vinacapital-2018022715541268.chn
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét