Ăn, mặc, lời răn và… nội tiết tố
tháng 3 06, 2018Minh họa: Lê Thiết Cương |
Con người ta, khi nhìn thấy và khi nhai khi nuốt thức ăn, tự tiết ra, đếm được đến hơn 50 loại nội tiết tố và chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến “động cơ bên trong” của chuyện đói no, chuyện ăn ngon, ăn nhiều, ăn (miếng) to, ăn nhanh, ăn vặt, khoái ăn, thèm ăn... Cho nên, có người đã nói: tình yêu đối với ẩm thực là tình yêu chân thành nhất của con người, quả là chí lý vô cùng!
Tình yêu ấy, hơn thế nữa, lại rất mãnh liệt! Như một cô gái trẻ mà chúng tôi được biết, người Đức gốc Estonia, từng du học tại Trung Quốc, mê say ẩm thực châu Á từ món Tàu, món Việt đến món Nhật, món Hàn như một tín đồ sốt đạo, đến mức ăn tàu hủ thúi vẫn thấy thơm. Cô đã từng một lần mơ rằng, nếu có kiếp sau sẽ xin được làm người... da vàng để được ăn cho sướng miệng!
Rõ là, miếng ăn có thể làm... thay đổi cả màu da, dứt khoát không thể xem là chuyện tầm thường được.
Mà ăn thì thường gắn liền với... nhậu, khác nào như hình với bóng. Không rõ ở trời Tây thế nào, ở phương Đông mà ăn nhậu đến mức tạo ra thành ngữ phải kể đến Trụ vương. Để dễ nhận dạng, chỉ cần nói thêm Trụ vương chính là ông vua mê đắm nàng Đắc Kỷ, hẳn là ai cũng biết!
Vua Trụ thích ăn, thích nhậu và dĩ nhiên, thích gái gú nữa. Là người muốn gì phải được nấy, vương đã tư duy sáng tạo nên những cuộc yến tiệc được người đời sau mô tả cụ thể và chi tiết: lấy rượu làm ao, treo thịt thành rừng, trai gái khỏa thân, cùng tìm kiếm nhau, thành tiệc rượu cho đêm dài (dĩ tửu vi trì, huyền nhục vi lâm, sử nam nữ khỏa, tương trục kỳ gian, vi trường dạ chi ẩm - Sử ký, Ân bản kỷ). Nói gọn lại, đó là mô hình ăn nhậu được gọi tên “tửu trì nhục lâm” nổi tiếng từ xưa đến nay!
So với người xưa, người đời nay hình như cũng ra sức lập thành tích... về mặt tốn kém. Nghe một nhà báo kể lại, anh đã từng góp mặt trong một cuộc nhậu tại xứ sở được mệnh danh là “nơi đáng sống” do một doanh nhân chiêu đãi quan đầu tỉnh. Tiệc rượu trên dưới mười người, tốn kém xấp xỉ nửa tỉ VND.
Tính mà xem, với loại rượu “cao tuổi” giá 2.000 - 3.000 USD một chai, nốc chừng 10 chai là đi đứt 500 triệu đồng cho một “đêm vui”. Nếu quy ra thành thóc, chia đều theo đầu người tham dự, chưa biết tiệc xưa hay tiệc nay bên nào đáng giá hơn bên nào!
Ăn nhậu như thế, còn ăn mặc ra sao?
Cũng không rõ lúc mặc đồ đẹp, xài đồ sang, chơi đồ hiệu... cơ thể người ta có sản sinh ra các loại hoóc môn gây hưng phấn nào không, nhưng chỉ cần quan sát bằng mắt thường là đủ thấy ngay cuộc chạy đua trang sức của thiên hạ không bao giờ có điểm kết thúc. Từ túi xách đến giày dép, từ mắt kính đến đồng hồ, từ điện thoại di động đến xe hơi đời mới... với đơn giá hàng ngàn, hàng vạn USD cho các thể loại! Mà không chỉ dân showbiz, giới doanh nhân, cả quan chức cũng góp mặt để tìm kiếm độ sang chảnh với đời!
Cho nên, một thời dân ta xôn xao khi phát hiện một ông phó chủ tịch quận trung tâm đất Sài Gòn đeo đồng hồ Patek Philippe và xài điện thoại Vertu. Thảy đều là hàng đẳng cấp, thương hiệu toàn cầu, có lý lịch riêng, và trị giá bạc tỉ! Dĩ nhiên, đeo đồng hồ nào, xài điện thoại nào thì chả có câu chuyện pháp lý gì ở đây. Vấn đề nằm ở một nỗi lo khác. Nỗi lo mang tên Cơ Tử.
Số là Cơ Tử, quan đầu triều thời Trụ vương, thấy Trụ đòi làm cho bằng được đũa bằng ngà voi thì lòng lo sợ cực độ. Nỗi lo sợ ấy có thể diễn đạt theo chuỗi logic như sau: Nếu đã đũa bằng ngà thì phải chén bằng ngọc. Nếu đã đũa ngà chén ngọc thì phải hải vị sơn hào. Nếu đã hải vị sơn hào thì phải quần lụa áo gấm. Nếu đã quần lụa áo gấm thì phải cung vàng điện ngọc. Nếu đã cung vàng điện ngọc thì bao nhiêu xương bao nhiêu máu của dân của nước cung phụng cho đủ. Vậy họa diệt vong của xã tắc xem ra đã hiện rõ trước mặt.
Nghe đồn, Cơ Tử nhiều lần ra sức can gián vua Trụ nhưng mọi lời chính trực đều bị bỏ ngoài tai. Sau cùng ông buộc lòng phải giả điên để tìm cách ẩn mình thoát khỏi vòng thế sự. Chỉ có điều, lời Cơ Tử thì vô hiệu nhưng họa diệt vong của nhà Ân thì diễn ra đúng như sự tiên tri.
Vậy nên quan chức ăn nhậu trăm triệu, xài đồ bạc tỉ, nhìn gần chỉ là chuyện xa hoa, nhưng nhìn xa đến cùng lại là chuyện tồn vong của đất nước.
Chợt nghĩ, khi nghe kinh kệ với lời răn và giới luật, khi học chỉnh huấn với nghị quyết và chỉ thị, khi dự kiểm thảo với phê bình và tự phê bình, chắc hẳn không có một thứ nội tiết tố “tự giác” nào được tạo ra để khiến cho người ta biết đúng biết đủ biết dừng. Thành ra, trong cuộc chiến chống lũ nội xâm, chống bọn cướp ngày để bảo vệ cơ đồ của cha ông, chỉ có thể một con đường: “dùng lực lượng vật chất để đánh bại lực lượng vật chất”.
Củi đúng là phải ném vào lò thôi!■
from Kinh Te Viet Nam https://tuoitre.vn/an-mac-loi-ran-va-noi-tiet-to-1427729.htm
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét