Đi chuyến nào lỗ chuyến đó, tàu vỏ thép nằm bờ ôm nợ
tháng 4 01, 2018Hải Phòng: tàu vỏ gỗ đánh bắt tốt hơn tàu vỏ thép
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Xuân - chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng - nói so về tổng thể, cả hai loại tàu vỏ gỗ và vỏ thép đều được ngư dân phát huy hiệu quả hoạt động tốt hơn hẳn so với trước kia.
Có những chuyến đi đánh bắt tàu vỏ thép mang lại lợi nhuận trên 1 tỉ đồng cho ngư dân. Trong đó, đặc biệt là tàu vỏ gỗ hoạt động rất tốt với nhiều tàu có thể trả nợ trước hạn.
Ông Xuân cho rằng sở dĩ tàu vỏ gỗ đánh bắt hiệu quả hơn tàu vỏ thép vì ngư dân Hải Phòng chuyên về nghề chụp mực nên tàu vỏ gỗ công suất lớn hoạt động hiệu quả hơn.
Cũng theo ông Xuân, điểm thuận lợi giúp tàu vỏ gỗ hoạt động hiệu quả cao hơn tàu vỏ thép là do ngư dân quen vận hành tàu vỏ gỗ hơn, công tác bảo trì bảo dưỡng tàu cũng giúp tiết kiệm được nhiều hơn.
"Tàu vỏ gỗ sau khi hạ thủy hoạt động 3-4 năm, thậm chí có những chiếc cả chục năm mới phải đưa lên đà để sơn lại, trong khi tàu vỏ thép năm nào cũng phải sơn lại, bảo trì với chi phí không nhỏ" - ông Xuân nói.
TIẾN THẮNG
Nghệ An kiểm tra năng lực đơn vị đóng tàu vỏ thép rồi mới triển khai - Ảnh: DOÃN HÒA
Nghệ An: kiểm tra năng lực đơn vị đóng tàu mới triển khai
Ông Bùi Xuân Trúc - phó Phòng nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An - cho biết đến nay toàn huyện có 52 tàu (4 tàu vỏ thép, 48 tàu vỏ gỗ) được đóng theo chính sách hỗ trợ vay vốn của nghị định 67 với số vốn vay hơn 19 tỉ đồng đều hoạt động hiệu quả, chưa ghi nhận trường hợp nào bị hỏng hóc.
"Rút kinh nghiệm từ một số địa phương lựa chọn đơn vị đóng tàu không đảm bảo chất lượng dẫn đến việc tàu của ngư dân sau khi đóng xong phải nằm bờ, huyện đã phối hợp với các ban ngành của tỉnh kiểm tra năng lực của đơn vị đóng tàu cho bà con mới triển khai" - ông Trúc nói.
Ông Trần Hữu Tiến - phó giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An - cho biết trong số 9 tàu vỏ thép được đóng mới có 5 tàu đóng tại Công ty tàu thủy Sông Đà, 4 tàu đóng ở Hải Phòng và Thái Bình, các tàu đều đóng đúng theo thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt.
Trong quá trình đưa vào khai thác đánh bắt hải sản cho thấy các tàu vỏ thép chỉ có một số trục trặc nhỏ, không có hư hỏng lớn.
DOÃN HÒA
Quảng Ninh: mẫu tàu chưa phù hợp
Ông Nguyễn Văn Công, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, cho biết theo các ngư dân, hầu hết các tàu vỏ thép đều có chất lượng tốt, đảm bảo hoạt động trên biển 16-18 ngày, cho lãi trung bình 100-300 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, có 3 chủ tàu phản ảnh tàu vỏ thép đóng theo mẫu thiết kế LC-01-BNN của Bộ NN&PTNT khi đi vào hoạt động đã gặp nhiều hạn chế. Ngư dân Dương Văn Tập (thị xã Quảng Yên) và Đỗ Văn Thi (TP Uông Bí) cho hay khi hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 5-6 tàu bị chòng chành.
Theo nhận định của ông Công, các mẫu tàu cá của bộ chưa phù hợp với nhu cầu của ngư dân nên các chủ tàu phải mất thời gian, kinh phí để điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp, gây khó khăn trong quá trình vay vốn ngân hàng.
ĐỨC HIẾU
Bình Định: chủ tàu nợ đầm đìa
Có 41/62 chủ tàu đóng mới, nâng cấp theo chương trình nghị định 67 ở tỉnh Bình Định nợ quá hạn 58 tỉ đồng, không có khả năng trả nợ cho các ngân hàng. Thông tin này được ông Nguyễn Trà Dương - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Định - xác nhận với Tuổi Trẻ.
Theo ông Dương, qua 3 năm triển khai nghị định 67, Bình Định phê duyệt cho 301 chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn đóng mới, nâng cấp theo chương trình này.
Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 61 chủ tàu đóng mới, 1 chủ tàu nâng cấp được các ngân hàng cho vay, tổng vốn giải ngân là 911 tỉ đồng. 19 tàu vỏ thép bị hư hỏng nặng, phải nằm bờ để sửa chữa nhiều tháng liền, chủ tàu không có khả năng trả nợ gốc và lãi theo lộ trình cam kết; 22 chủ tàu khác không thể trả nợ do làm ăn không hiệu quả, thua lỗ.
"Đây là một thách thức rất lớn với ngành ngân hàng, vì hiện nay tổng số nợ quá hạn của 41 chủ tàu nêu trên đã lên đến 58 tỉ đồng" - ông Dương cho hay.
Ông Nguyễn Văn Lý, chủ tàu vỏ thép ở huyện Phù Mỹ do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng, cho biết tàu ông đã nằm bờ 10 tháng liền do hư hỏng nặng nề. Nhận con tàu vỏ thép đóng mới với tổng mức đầu tư hơn 15 tỉ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng 13,6 tỉ đồng, ông Lý chỉ đi đánh bắt được 1 chuyến là nằm bờ luôn đến nay.
Tương tự, ông Lê Văn Thãi, chủ tàu vỏ thép ở huyện Phù Cát do Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu đóng, cũng nói tàu ông nằm bờ 1 năm do hư hỏng khiến nợ vốn và lãi quá hạn hơn 2,54 tỉ đồng.
"Vay tiền đóng tàu 17,7 tỉ đồng, giờ tôi khốn đốn, không biết chừng nào mới có tiền trả nợ được" - ông Thãi bày tỏ.
DUY THANH
from Kinh Te Viet Nam https://tuoitre.vn/di-chuyen-nao-lo-chuyen-do-tau-vo-thep-nam-bo-om-no-20180401084840371.htm
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét