Văn hóa doanh nghiệp cực kỳ đặc biệt là yếu tố thu hút rất nhiều tài năng trẻ đến với công ty này
tháng 6 02, 2018Callum Negus-Fancey, một doanh nhân 28 tuổi người Anh, đã mở công ty riêng trong hầm nhà cha mẹ mình ở London. Ra đời vào năm 2013, Verve là một nền tảng phần mềm cho phép các nhãn hàng thu hút và tuyển mộ thành viên nhằm bán vé đến dự các sự kiện của họ, nhằm đổi lấy các phần thưởng như vé vào cổng miễn phí và thẻ VIP.
Ngày nay, Verve đã gọi được nguồn vốn trị giá 35 triệu USD và tăng từ 5 lên 160 nhân viên ở khắp các văn phòng tại London, Los Angeles, Las Vegas, và Austin, cùng một số thành phố khác ở Châu Âu. Nhưng dù phát triển chóng mặt, văn hóa công ty của Verve vẫn giữ nguyên như lúc ban đầu: Nhân viên của họ được tự do chọn giờ làm, nơi làm và những cuộc họp mà họ muốn đến dự.
Dù nhân viên của mình đến văn phòng hay làm việc 9 tiếng liền, "Đó không phải là những gì tôi quan tâm," Negus-Fancey nói. "Tôi chỉ quan tâm đến những giá trị mà họ tạo ra cho khách hàng của chúng tôi."
Những người trẻ hiện nay nhìn chung làm việc lâu hơn, từ bỏ nhiều ngày nghỉ hơn, và nghỉ hưu muộn hơn so với các thế hệ trước. Họ cũng kiếm được ít tiền hơn so với cha mẹ mình khi ở cùng độ tuổi.
Những điều kiện này có thể dẫn đến kiệt sức, thiếu gắn bó với công việc và nơi làm việc, kết quả là họ hay nhảy việc. Vì thế các công ty đang tìm mọi cách để giữ những nhân viên trẻ sáng giá của mình, từ việc cung cấp chế độ đi nghỉ có lương cho đến đào tạo theo yêu cầu.
Làm việc ở Verve sẽ như thế nào
Tại Verve, gần như tất cả 160 nhân viên đều không làm việc tại các văn phòng của công ty. Theo Negus-Fancey, đa phần họ đều làm việc ở quán cà phê hoặc ở nhà ít nhất mỗi tuần một ngày. Verve không có giờ làm việc hoặc ngày nghỉ cố định.
"Tôi muốn mọi người coi văn phòng như một công cụ chứ không phải là một nơi phải đến," Negus-Fancey nói.
Văn hóa của công ty cũng một phần chịu ảnh hưởng từ con đường lập ra công ty của thành viên sáng lập.
Negus-Fancey – một thành viên sáng lập của Verve
Negus-Fancey bỏ học ở tuổi 17 vì anh nghĩ rằng mình không thích hợp với mô hình giáo dục theo khuôn mẫu. Anh cũng không thấy thích học hoặc cảm thấy hứng thú với thành công.
Anh lập ra công ty "Let's Go Crazy", chuyên tổ chức các bữa tiệc không có rượu và chất kích thích cho thanh thiếu niên từ 16-18 tuổi. Lúc đó anh không có vốn, nhưng đã sử dụng doanh thu từ bán vé để trang trải chi phí thuê các hộp đêm.
Negus-Fancey quyết định xây dựng Verve sau khi thấy lời thuyết phục đến dự các sự kiện của Let's Go Crazy từ chính các cô cậu mới lớn có sức lan tỏa như thế nào. Verve lợi dụng sức mạnh "truyền miệng" để bán vé tới các sự kiện, hầu hết là các buổi hòa nhạc; người dùng bán vé cho bạn bè để nhận được các phần thưởng hấp dẫn như chỗ ngồi VIP, quyền vào khu vực các nghệ sĩ, v.v.
Và từ đó, Negus-Fancey đã mường tượng về một văn hóa công ty mang lại cho mọi người sự tự do được làm việc theo cách mà họ cảm thấy hiệu quả nhất. Và đây cũng chính là điểm thu hút rất nhiều người trẻ về với Verve.
Negus-Fancey nói rằng công ty gặp rất ít trường hợp nhân viên lạm dụng chính sách linh hoạt này. Nhưng khi một nhân viên không đạt được mục tiêu đã đề ra, một nhân viên quản lý sẽ can thiệp để tìm ra nguyên nhân.
Các nhân viên vẫn làm việc rất chăm chỉ. Theo Negus-Fancey, Verve đang phát triển cực nhanh, và những người gia nhập công ty cần hiểu rằng giờ giấc linh hoạt không có nghĩa là giờ làm việc ít hơn. Ở đây anh muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng công việc chứ không phải thời gian làm việc. Anh cũng liên tục truyền tải thông điệp này trong các cuộc họp hàng tuần và trong các bản tin gửi cho toàn thể công ty.
"Trong môi trường khởi nghiệp, bạn có rất nhiều điều không chắc chắn và sự phát triển chóng mặt," Negus-Fancey cho biết, "Điều duy nhất mang lại cho mọi người cảm giác chắc chắn chính là văn hóa mà công ty tạo ra."
Theo Trí Thức Trẻ
from Kinh Te Viet Nam http://cafebiz.vn/van-hoa-doanh-nghiep-cuc-ky-dac-biet-la-yeu-to-thu-hut-rat-nhieu-tai-nang-tre-den-voi-cong-ty-nay-20180602115626064.chn
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét