Bà chủ bún "bá đạo" nhất Việt Nam: Gọi vốn 8 triệu USD, nhưng doanh thu, sản lượng sản xuất quyết không tiết lộ, tiềm năng thị trường bắt các Shark lấy giấy bút tự tính
tháng 7 25, 2018Bà chủ bún Nguyễn Bính gọi vốn 8 triệu USD với tham vọng "bá chủ thế giới"
CTCP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính thành lập năm 2004, được cho là đơn vị đầu tiên công nghiệp hóa bún ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chị trình bày sản phẩm của mình là bún sạch, khác hẳn với những loại bún "không tên" trôi nổi trên thị trường, được một công ty Thái định giá 100 tỷ đồng cách đây 3 năm.
"3 năm trước có một nhà đầu tư Thái Lan sang định giá 100 tỷ đồng, nhưng muốn đầu tư đổi lấy 49% cổ phần. Tôi không muốn. Tôi bán cho ông rồi tôi đi làm thuê cho ông à? Người ta làm tôi như cái mỏ vàng để họ đào, nên tôi không chấp nhận", bà Nguyễn Bính - Tổng Giám đốc công ty - thẳng thắn chia sẻ.
Ôm tham vọng đưa bún Việt ra toàn thế giới, bà Bính lên Shark Tank Việt Nam kêu gọi 8 triệu USD cho 20% cổ phần công ty.
Mức định giá cao kỷ lục này ngay lập tức khiến các "cá mập" choáng váng.
Bà Bính cho biết Nguyễn Bính có bí quyết riêng trong sản xuất bún, nên không cần bảo quản, chỉ cần để nhiệt độ thường thì bún làm từ hôm trước rồi nay mới mời các Shark dùng thử cũng không thiu.
"Đây là bí quyết riêng. Tất cả lò bún ở TPHCM chưa ai có thể làm được sản phẩm như của tôi. Cả quốc gia Việt Nam cũng chấp hết. Nguyễn Bính rất chảnh", bà chủ tự hào.
Hiện diện tích sản xuất của Nguyễn Bính chỉ có 350 m2, bà chủ ôm mộng "bá chủ" nhưng không đủ tiền đầu tư lớn.
Sản lượng sản xuất không tiết lộ, doanh thu và lợi nhuận sau đầu tư chỉ "nói để các Shark tự tính"
Là cá mập nhạy bén với các con số, Shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse nhìn nhận: "Chị đang định giá công ty 1.000 tỷ đồng. Nếu chúng tôi đầu tư cho chị số tiền này, doanh thu chị làm được bao nhiêu?"
Bà Bính không trả lời trực diện mà xua tay: "Các Shark cứ cầm tiền của các Shark đi, tôi không hề thèm cầm tiền của các Shark. Tôi nói thẳng như thế. Tổng các cơ sở trên TPHCM từ 400 - 700 cơ sở cho tất cả ngành nghề này. Dân của TP là 10 triệu, hôm nay không ăn bún thì ăn phở, không ăn phở thì ăn bánh mướt, mỳ Quảng".
"Tôi chỉ tính đầu người, mỗi người ăn 1 lạt, thì 1 ngày nội TPHCM sẽ tiêu thị được 1.000 tấn".
"Ý tôi là giả sử đầu tư cho chị 200 tỷ đồng, chị sẽ tạo ra doanh số và lợi nhuận khoảng bao nhiêu?"
"Tôi nói để các Shark tự tính: Tôi cần nhà xưởng, đất đai, thiết bị máy móc, 1 ký gạo ra 2 ký bún. Các Shark tự tính".
Ngay cả với con số tiêu thụ 1.000 tấn bún tại TPHCM, khi Shark Phú căn vặn 1.000 tấn bún quy ra bao nhiêu tiền, bà Bính lại yêu cầu Shark cứ tính dựa trên số liệu "bún lá, bún ốc đang là 17.500 đồng/ký, bún bình thường 11.000 đồng/ký là giá xuất xưởng, bán online đến tận nhà là 25.000 đồng/ký".
Shark Linh: "Có lời hay không tôi cũng không đầu tư"
Đề cập đến vấn đề tài sản hiện sở hữu, bà chủ Nguyễn Bính cho biết nhà cửa, máy móc, trang thiết bị, vật dụng… có giá trị lên đến 100 tỷ, nhưng đồng thời cũng đang nợ ngân hàng 17 tỷ đồng.
Shark Phú nhận xét việc kêu gọi gần 200 tỷ cho 20% tức startup đang định giá công ty lên đến 1000 tỷ đồng là vô cùng phi lý. Tuy vậy, chủ nhân Bún Nguyễn Bính lại cho rằng việc này hoàn toàn bình thường, bởi thương hiệu Bún Nguyễn Bính đang đứng đầu quốc gia và giá trị thương hiệu của startup này là ‘vô hình’. Bà chủ Bún Nguyễn Bính khẳng định chỉ sau 6 tháng, bà sẽ nắm chắc trong tay 50% thị phần tại Hồ Chí Minh.
Rất tâm huyết với các sản phẩm truyền thống, nên Shark Phú cần thêm các số liệu tài chính để chứng thực việc đầu tư này là có ‘tương lai’ nhưng bà chủ Nguyễn Bính chỉ cho biết hiện tại công ty đang quá tải và cần nhà xưởng. Ngoài việc chia sẻ 1kg gạo sẽ làm được 2kg3 bún, các số liệu khác, bà quyết định không ‘đặt lên bàn’ với các nhà đầu tư.
Trước lượng thông tin ‘nhỏ giọt’ này, Shark Hưng nhanh chóng ‘xin phép’ không thể đầu tư vì cho rằng không có căn cứ nào chứng minh Bún Nguyễn Bính có thể chiếm 50% thị phần tại Tp HCM. Thêm vào đó các con số cũng quá mập mờ để Shark có thể nhập cuộc, "3 năm doanh thu tăng gấp 2 lần, giá trị thương hiệu tăng lên 10 lần. Nếu giá trị thương hiệu để càng lâu càng tăng tôi khuyên chị nên để 10 năm nữa bán để kiếm ngàn tỷ" Shark Hưng nhận xét.
Trước sự ngộ nhận càng làm lớn thì càng có lãi cao, Shark Phú cho biết: "Thông thường, bọn tôi làm sản xuất ngành thực phẩm chỉ được phép cộng hết tất cả khấu hao lẫn tiền lương, giá vốn chỉ được chiếm độ khoản 40% là cùng. Riêng tiền gạo chị đã chiếm 50% rồi, chưa tính tiền nhân công, điện, nước, nhà xưởng… như vậy khi chị làm lớn không phải có lãi cao. Bây giờ chị đang hạch toán chưa đầy đủ nên chị thấy rằng có lãi thôi" - Chủ tịch Sunhouse cho hay.
Trước lý lẽ chặt chẽ đến từ nhà đầu tư, Nguyễn Bính thừa nhận công ty của mình trước giờ chỉ kinh doanh dưới dạng gia đình, không có hệ thống quản lý, chưa tổng hợp tổng lượng hàng hóa sản xuất ra mỗi ngày. Tuy nhiên, bà chủ Bún Nguyễn Bính cũng từ chối lời đề nghị cho vay để xây dựng nhà xưởng của Shark Phú, nhà sáng lập cho rằng bà tự làm trên đất của mình sẽ tốt hơn.
Mặc dù rất nể phục trước quyết tâm và tham vọng đưa ngành bún truyền thống của Việt Nam tiến tới ‘bá chủ thế giới’ của bà chủ Bún Nguyễn Bính nhưng Shark Việt cũng đành rút lui. Shark Việt cho rằng nhà đầu tư cần biết sẽ hoàn vốn và mức cổ tức thế nào, nhưng startup đã không kê khai được các số liệu minh bạch. Đây cũng lý do shark Dzung từ chối đầu tư, mặc dù ‘cá mập công nghệ’ chia sẻ anh rất thích ăn bún.
Khác với các Shark còn lại, Shark Linh chia sẻ lý do không đầu tư đến từ yếu tố con người. Shark có nhận thấy phong cách của bà chủ Bún Nguyễn Bính sẽ rất khó hợp tác với các nhà đầu tư, kết thúc thương vụ Shark Linh cũng nói thêm: "Công ty này có lời hay không Linh cũng không đầu tư".
Theo Trí Thức Trẻ
from Kinh Te Viet Nam http://cafebiz.vn/ba-chu-bun-ba-dao-nhat-viet-nam-goi-von-8-trieu-usd-nhung-doanh-thu-san-luong-san-xuat-quyet-khong-tiet-lo-tiem-nang-thi-truong-bat-cac-shark-lay-giay-but-tu-tinh-20180726101425803.chn
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét