Kinh nghiệm khởi sự kinh doanh từ người đồng sáng lập De-form Pottery
tháng 7 25, 2018Cao Thị Hồng Loan (trái) và Nguyễn Đan Thy - Đồng sáng lập De-form Pottery.
Cũng như khởi nghiệp đặt ra thất bại để thử lửa người kinh doanh, gốm cần sự nhẫn nại nơi nghệ nhân. Nhờ kiên trì - kiên trì theo đuổi đam mê, kiên trì học hỏi, kiên trì rút tỉa kinh nghiệm từ thất bại - nên Đan Thy mới có được De-form Pottery - một studio trải nghiệm văn hóa làm gốm, và sản xuất gốm Biên Hòa xưa ở giữa lòng Sài Gòn, một "điểm đến" của giới trẻ yêu thích văn hóa truyền thống như hôm nay.
"Đứng dậy" nhờ đam mê
Con đường khởi nghiệp của Đan Thy bắt đầu khi cô không tìm thấy cảm hứng trong công việc marketing tại một doanh nghiệp. Rời văn phòng để tự do theo đuổi điều mình muốn luôn là viễn cảnh hấp dẫn người Việt trẻ hiện đại. Đan Thy cũng vậy. Song để tạo được "khoảng thở" cho chính mình hôm nay, Đan Thy đã phải liên tục thử rồi sai, thử rồi làm lại rất nhiều lần.
Yêu thích ngành thủ công truyền thống, từ thời sinh viên, Đan Thy từng cùng một người bạn "ké" bày bán các sản phẩm handmade tại cửa hàng thư pháp ở TP.HCM. Đến khi lựa chọn lĩnh vực để khởi nghiệp, Thy quyết định đi theo "cục đất".
"Từ nhỏ, mình đã bị gốm thu hút. Không biết vì sao nhưng mình luôn có cảm xúc mạnh khi ngắm nhìn các món đồ gốm, từ sản phẩm chưa nung được phơi thẳng hàng ngoài sân đến trưng bày trong các cửa hàng. Được tìm hiểu cách để biến một cục đất sét thành sản phẩm xài được, với mình, nó vi diệu lắm", Đan Thy chia sẻ.
Mang theo niềm hứng thú này, Đan Thy tìm đến Bát Tràng để học cách làm gốm, sau đó về lại Sài Gòn và mở ra xưởng thủ công đầu tiên mang tên Phố Handmade. Với định vị cung cấp không gian hướng dẫn các bạn trẻ tự tay làm quà tặng từ chất liệu gốm đến giấy, Phố Handmade có được sự lan tỏa bước đầu, khách hàng đến sử dụng dịch vụ tăng dần. Tuy nhiên, 7 tháng sau thì Phố Handmade... đóng cửa.
"Lúc đó, vì còn non kinh nghiệm kinh doanh nên mình đã không nhận ra hai vấn đề chính ảnh hưởng đến sự thất bại của Phố Handemade", Đan Thy nhớ lại.
Khi ấy, do chưa đủ trình độ chuyên môn nên Đan Thy không thể hướng dẫn khách hàng làm ra những sản phẩm như ý họ muốn. Vì vậy ban đầu khách đến đông vì tò mò nhưng sau giảm dần. Mặt khác, Thy cũng chưa có kinh nghiệm định giá sản phẩm, xây dựng hệ thống quản lý doanh nghiệp nên mức giá đưa ra quá thấp, không đủ "gánh" chi phí vận hành khá lớn.
Nguyễn Đan Thy - đồng sáng lập De-form Pottery |
Thất bại với Phố Handmade, Đan Thy quay trở về làm việc văn phòng vì vẫn cần ổn định kinh tế cho cuộc sống. Trong suốt ba năm sau đó, công việc marketing ở một công ty có hệ thống kinh doanh hoàn chỉnh đã giúp Đan Thy phân tích sâu hơn về nguyên nhân thất bại của Phố Handmade. Những vỡ vạc mới cộng với sự thôi thúc khởi nghiệp từ bên trong vẫn còn mạnh mẽ, Thy tiếp tục nghỉ việc và tìm đến học gốm sâu hơn tại ngôi trường dạy gốm duy nhất ở miền Nam tại Biên Hòa.
"Trong ba năm tạm nghỉ đó, thực sự thì mỗi cuối tuần mình vẫn chạy xe đi Bình Dương, Biên Hòa, tìm đến những làng gốm truyền thống để quan sát và học hỏi kinh nghiệm làm gốm", Thy chia sẻ.
Vì vậy, khi trở lại học gốm, Thy chỉ tập trung vào kỹ năng xoay, một kỹ năng nền tảng trong tạo hình gốm. Trong thời gian học tại Biên Hòa, Thy đã tìm được 2 cộng sự mới để cùng khởi nghiệp lần nữa, đó là thầy dạy gốm của mình và một người bạn học cùng. Cả ba trở lại Sài Gòn và mở ra một studio chuyên sâu về gốm, đặt tên là Gốm Xoay.
Rút kinh nghiệm từ Phố Handmade, Gốm Xoay được Đan Thy đảm bảo về mặt chuyên môn. Nhưng bài toán định giá và quản lý doanh nghiệp vẫn chưa giải được, nên vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, vì lò nung đặt tại Biên Hòa, nên khách hàng sau khi làm gốm xong phải đợi đến gần 2 tuần mới có được sản phẩm, dễ nản. Nhiều yếu tố tác động dẫn đến việc Đan Thy phải đóng cửa studio thứ hai của mình sau 6 tháng hoạt động.
"Thời gian làm Gốm Xoay, mình học được rất nhiều điều hay khi mạnh dạn thực hiện những ý tưởng kinh doanh của mình. Công việc dạy gốm và làm gốm cũng phù hợp tính cách nên cảm thấy cuộc sống rất có ý nghĩa. Mình không muốn quay lại công việc văn phòng, nhưng cũng rất hoang mang khi việc kinh doanh thất bại lần thứ hai", Đan Thy chia sẻ.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, Đan Thy quyết định dành toàn bộ tiền tích lũy, cùng sự ủng hộ từ bạn bè và gia đình để lập nên studio gốm thứ ba mang tên De-form Pottery.
|
De-form đã hướng dẫn được 20.000 khách hàng trải nghiệm làm gốm theo phong cách Biên Hòa xưa, giữa lòng Sài Gòn. Ảnh: De-form Pottery. |
Làm mới gốm xưa
Nói ít, quan sát nhiều để hiểu nhu cầu của khách là phong cách hướng dẫn tại studio gốm De-form.
Bất kể là lớp trải nghiệm hai giờ đồng hồ hay lớp học làm gốm chuyên nghiệp hàng tháng, khách hàng đều sẽ được De-form giải thích tường tận về những nét đặc biệt trong tư duy làm gốm của người Biên Hòa xưa, đặc tính của từng loại đất sét, men phủ khác nhau cùng các kỹ thuật trang trí cơ bản, dễ áp dụng.
Sau khi nắm được cách tạo dáng cho sản phẩm bằng bàn xoay, đắp mô hình, dán ghép hoặc nặn tay, khách hàng sẽ được tự do biến cục đất trước mặt theo trí tưởng tượng của mình, không bị buộc sao chép những sản phẩm gốm phổ biến. Bởi vậy, trên kệ cất giữ thành phẩm của khách hàng ở De-form có rất nhiều mẫu vật rất lạ mắt như con dấu cá nhân, chuông gió…
"Khác biệt nằm ở chỗ đây là không gian tĩnh lặng để khách trải nghiệm cảm giác làm gốm trọn vẹn nhất", Đan Thy tâm đắc chia sẻ.
Dự kiến trong năm 2018, De-form sẽ khởi động dự án dạy nghề gốm cho các bạn tốt nghiệp phổ thông nhằm nuôi dưỡng kỹ thuật làm gốm truyền thống của Biên Hòa.
Bên cạnh lớp gốm, De-form Pottery cũng trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm gốm gia dụng, trang trí mang phong cách hiện đại và thuần Việt.
|
Các sản phẩm của De-form hiện đang được phân phối đến du khách qua các cửa hàng lưu niệm ở trung tâm Sài Gòn |
Được "vàng" từ đất
Gốm De-form có nguồn gốc từ đất sét Tân Uyên (Bình Dương) được tạo dáng theo kỹ thuật làm gốm Biên Hoà xưa. Men phủ do Cao Thị Hồng Loan - đồng sáng lập De-form Pottery, vốn là cử nhân chuyên ngành hóa - tự điều chế từ các nguyên liệu như rơm, tro, thuỷ tinh. Về trang trí, De-form đưa vào gốm nhịp sống hiện đại của người Nam Bộ như hình ảnh cô mía, xe xích lô, viên gạch bán xăng vá xe, bên cạnh họa tiết Bách Hoa truyền thống của Biên Hòa.
"Như tính cách vừa hiện đại vừa mộc mạc của người Sài Gòn, điểm đặc biệt ở các sản phẩm của De-form là luôn có một góc của sản phẩm không được phủ men. Phần xương đất (đất sét nung thô, không phủ men – PV) này sẽ mang đến cảm giác thú vị cho người dùng khi cầm sản phẩm trong tay", Đan Thy chia sẻ.
Sự kiên trì học hỏi sẽ đưa người sáng lập đi tiếp với con đường lập nghiệp. Nhưng để đứng vững trước những khó khăn, thì startup phải có được sự đồng lòng của các thành viên.
Nhìn lại ba lần khởi nghiệp, Đan Thy nhận ra: "Để De-form ổn định thì thời gian đầu, Loan và Giao (thành viên sáng lập thứ 3 – PV) đã không ngần ngại thức khuya dậy sớm, làm không công rất nhiều ngày tháng, bỏ đi tất cả các thú vui bên ngoài để chia sẻ các khó khăn với mình".
Miệt mài với đất sét, rơm tro, dường như đội ngũ De-form hiện tại đã tìm được nhiều điều quý giá hơn cả khởi nghiệp thành công. Đó là bầu không khí gia đình trong không gian làm việc, là nhiệt huyết từ những bạn trẻ mà kỹ thuật làm gốm có thể chưa cao nhưng luôn chú tâm học hỏi mỗi ngày, là nụ cười của khách khi nhận sản phẩm gốm hoàn thiện đầu tay...
DNSG
from Kinh Te Viet Nam http://cafebiz.vn/kinh-nghiem-khoi-su-kinh-doanh-tu-nguoi-dong-sang-lap-de-form-pottery-20180725170448678.chn
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét