Ba nhân tố tác động đến thị trường việc làm tại Việt Nam
tháng 8 01, 2018Khảo sát trên cổng thông tin việc làm Jobstreet.com cho thấy lượng tìm kiếm việc làm ở các doanh nghiệp (DN) FDI tại Việt Nam tăng đến 10 lần trong nửa đầu năm 2018, trong khi đó lượt vào xem vị trí đăng tuyển của các công ty nội địa chỉ tăng 0,67 lần.
Theo bà Angie Phang - Tổng giám đốc JobStreet.com, các chỉ số hạnh phúc của nhân viên và các yếu tố quan trọng khác đang ảnh hưởng đến chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài, chứ không chỉ là mức lương hay chức vụ.
Khoản phúc lợi mà người lao động Việt Nam khao khát nhất nhưng ít được đáp ứng là "bảo hiểm y tế cho gia đình", với tỷ lệ 47%; 46% mong muốn "giao thông thuận tiện" và 40% muốn "hỗ trợ nơi ở hoặc chi phí thuê nhà". Khác biệt so với mong muốn của người lao động trong khu vực ASEAN là 64% mong muốn "bảo hiểm y tế cho gia đình", 53% cần "giờ làm việc linh động" và 41% muốn "hỗ trợ chăm sóc trẻ".
Nhu cầu tuyển dụng tăng nhanh đang thúc đẩy sự cạnh tranh trong việc chiêu mộ nhân tài nhưng tỷ lệ người lao động sẵn sàng nhảy việc cao đã kéo theo sự gia tăng của hoạt động tuyển dụng khiến cho chiến lược tăng tốc triển vọng thị trường việc làm Việt Nam đang được định hướng bởi ứng viên, thay vì theo nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Cũng theo đại diện của JobStreet.com, ba nhân tố và chiến lược chính ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của thị trường việc làm tại Việt Nam bao gồm: thứ nhất là nhóm các công ty khởi nghiệp sẽ phát triển và mở rộng kinh doanh qua việc đầu tư vào khởi nghiệp của Việt Nam đang tăng cả về số lượng lẫn số vốn đầu tư; đồng thời khối DN nước ngoài mở rộng hoạt động là hai yếu tố được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường việc làm khi tạo thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho các ứng viên tìm việc.
Thứ hai, công nghệ phát triển đang tạo ra nhiều chức danh công việc mới, đòi hỏi ở người lao động nhiều kỹ năng mới và vai trò đa nhiệm hơn. Xu hướng này tạo áp lực lên các ứng viên về việc nâng cấp các kỹ năng để tăng khả năng cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Nhân tố cuối cùng là các chiến lược tuyển dụng, giữ chân nhân tài vẫn chưa được nhà tuyển dụng hiểu rõ và tiếp nhận đầy đủ, khi các ứng viên ngày càng chủ động tìm hiểu thị trường và đa dạng hóa cách lựa chọn việc làm.
Để góp phần giải bài toán tuyển dụng nhân tài, bà Angie Phang cho rằng, công nghệ phải luôn được cải tiến để cập nhật không ngừng về thói quen, hành vi của ứng viên cùng với nguồn dữ liệu lớn về sự khác biệt tại các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
DNSG
from Kinh Te Viet Nam http://cafebiz.vn/ba-nhan-to-tac-dong-den-thi-truong-viec-lam-tai-viet-nam-20180801170858772.chn
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét