Hiểu lầm và mâu thuẫn giữa sales và các phòng ban: Chuyện ở đâu cũng có, ai làm cũng gặp

tháng 8 30, 2018

Tôi không có định kiến và quan điểm tiêu cực nào với bất kỳ phòng ban nào trong một công ty. Tuy nhiên, từ vị trí của từng cá nhân làm trong các phòng ban đó tôi thấy họ đôi khi bị ấn tượng cảm tính bởi các hoạt động và thành ra có định kiến là góc nhìn khá lệch lạc. Trên hết thì việc họ trực tiếp thực hiện một hành vi nào đó thường bị hiểu lầm về mặt ý nghĩa và mục đích. Bài viết này nêu lên một số sự hiểu lầm đó, mà đặc biệt là trong sự tương tác với đội sales.

Phòng Nhân sự

Do được tuyển dụng đầu vào, được phép hỏi những câu phỏng vấn người xin việc từ cấp thấp tới cấp cao nên họ phần nào nghĩ rằng mình có quyền với nhân sự. Tức là họ "tuyển ông Giám đốc đó vào" tức là họ cao hơn ông đó. Trong khi thực tế là họ chỉ là người thực hiện kiểm tra người lao động ở phần năng lực chuyên môn theo chỉ định của cấp trên, chứ không phải là có quyền sinh sát sau đó.

Đáng tiếc là, ở nhiều công ty việc này lây lan sang cả phần thiết lập quy chế và chiến lược. Chuyện vô cùng vô lý là họ được phép thiết lập chiến lược tới cả các phòng ban khác có chuyên môn khác hẳn như phòng sales. Hậu quả tiếp theo là salesman sẽ bị cùng lúc hai gọng kìm từ sếp của mình và sếp của phòng nhân sự ép cho không còn muốn phấn đấu nữa. Tôi đã từng phải từ chối một khách hàng lớn về mảng tái cấu trúc hoạt động kinh doanh khi thấy đại diện phòng nhân sự cứ tìm cách gây ảnh hưởng lên mọi quyết định của phòng sales.

Nói rộng ra, không chỉ riêng phòng Nhân sự có dạng tư duy này, mà bất kỳ phòng ban nào khác như marketing, kế toán, hậu cần… có thời gian làm việc gần sếp nhiều hơn đều sẽ có dạng thức đó, vừa tự thấy mình oai phong hơn các phòng ban khác vừa tự thấy mình nên làm gì đó để bộc lộ cái đó ra ngoài. Sếp không tinh mà ngăn lại, rất dễ các trận storming chuyển nhanh từ công việc thành thù hằn cá nhân, đến lúc đó sẽ khó mà ngăn mâu thuẫn mở rộng và trở nên nặng nề hơn.

Phòng marketing

Không hiểu sao ở Việt Nam thì đây là bộ phận được nhiều công ty hiểu một cách nôm na tới mức thái quá là "phòng tiêu tiền". Có lẽ vì phòng này được dành cho ngân sách lớn để làm quảng cáo và đôi khi họ không cần phải cam kết quá cụ thể về kết quả bán hàng mà phòng mình đưa lại với công ty. Mỗi khi không bán được hàng dù đã có cả quảng cáo và chiến dịch khuyến mại trên địa bàn, thì lý do phòng marketing đưa ra là "do sales không biết cách chốt đơn", trong khi phòng sales thì lại buộc tội phòng Marketing là "ý tưởng huyễn hoặc, chả cụ thể hay phù hợp với địa bàn".

Cứ thế, lâu dần "mối thù" này triển khai rộng ra hơn thành mâu thuẫn mang tính cá nhân. Marketing chê bên kia là chỉ biết làm những thứ thô kệch là lăn ra đường và thu tiền. Sales phản đòn bằng lời phản bác lại là các ông các bà "cứ như trên mây trên gió". Thực tế thì tình cảnh này lặp đi lặp lại ở nhiều công ty SME rất khó giải quyết, cho tới khi lãnh đạo vào cuộc, học tập các công ty lớn bằng cách đặt KPI và cam kết chỉ tiêu cho cả hai bên, đồng thời yêu cầu họ cùng làm việc với nhau trong từng dự án.

Phòng kế toán

Ngoài các dạng thức kể trên thì mâu thuẫn của sales với phòng kế toán thuộc dạng đặc thù hơn hẳn. Một trong các việc chính của kế toán với đội sales là kiểm soát và thúc thu hồi công nợ. Từ khi được phép hỏi công nợ họ trở thành chủ động trong việc yêu cầu sales phải báo cáo. 

Mặc định giữa một bộ phận cố gắng tránh thất thoát tài chính và nguồn lực của công ty và một bộ phận phải linh hoạt để mang tiền về khiến cho kế toán rất dễ vượt qua ranh giới mong manh của chuyên môn. Họ sẽ trở thành người gây sức ép và sau cùng có một quyền lực cực lớn, dù không ai giao, với đội sales.

Nhà phân phối (NPP)

Không phải chỉ có nằm trong công ty mới có mâu thuẫn. Đối tượng NPP là một trường hợp cá biệt rất dễ tham gia vào các mâu thuẫn với phòng sales. Do nhân sự sales, tuy được nhà cung cấp tuyển vào, nhưng họ làm việc trực tiếp với các quản lý ở nhà phân phối, nên giữa hai bên nảy sinh tình cảm tích cực. Và còn do nhà phân phối trả lương (của công ty cung cấp) cho sales nữa, nên các bạn salesman hiểu nhầm là nhà phân phối mới là ông chủ trực tiếp của mình. Do vậy cứ hễ có quyết định nào từ phía nhà cung cấp là salesman chờ xem nhà phân phối phản ứng thế nào rồi mới có đối sách, chứ không dám làm ngay như khi có thông tin.

Quản lý của đội sales

Teamleader hay supervisor do ở gần Salesman hơn nên ở tình trạng là salesman nghe lời họ nhiều hơn là sếp tổng ở trên và họ tạo thành một đội nhóm khó phá vỡ. Sếp muốn gì cũng phải nói với cả đội thì họ mới nghe chứ không thể tách ra để xử lý riêng được. Ở chiều ngược lại, một số sếp ở khu vực địa lý xa xôi, không gần trụ sở của công ty, luôn tìm cách o bế để sales phải nghe theo ý mình. Gây sức ép được vài lần, làm sales phải nghe rồi thì sau đó họ tìm cách lấn tới để sales tưởng rằng họ chính là đại diện của công ty, lệnh miệng của họ cũng chính là "ý chỉ" của tổng công ty.

Tương tác giữa các bộ phận trong và ngoài công ty chưa bao giờ chỉ dừng lại ở khía cạnh công việc, người làm sếp muốn giỏi chắc chắn phải giỏi thuật lãnh đạo để từ "tề gia" trước mà thành "bình thiên hạ" sau. Nhìn vào bên trong, giám sát để hạn chế việc hiểu nhầm về quyền hạn của các bộ phận do các hành động TRỰC TIẾP là điều cần thiết của bất kỳ sếp nào muốn công ty phát triển.

Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Let's block ads! (Why?)



from Kinh Te Viet Nam http://cafebiz.vn/hieu-lam-va-mau-thuan-giua-sales-va-cac-phong-ban-chuyen-o-dau-cung-co-ai-lam-cung-gap-20180824110218211.chn
via CafeBiz and Tuoi Tre

You Might Also Like

0 nhận xét

Admin đứng sau fanpage “Yêu Bếp” với hơn 1,3 triệu thành viên: Từ họa sĩ chuyển sang ẩm thực, thuộc top food-blogger hàng đầu Việt Nam https://t.co/nXUk3jHj29 https://t.co/ftLxqqyDZg

NganSon vừa đề nghị ThuHuong đăng một tweet mới: Admin đứng sau fanpage “Yêu Bếp” với hơn 1,3 triệu thành viên: Từ họa sĩ chuyển sang ẩm...