PwC: Blockchain có tiềm năng rất lớn ở Việt Nam, nhưng doanh nghiệp hãy chú ý vấn đề bảo mật
tháng 8 30, 2018Theo khảo sát từ PwC, 84% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đang thực hiện các sáng kiến về blockchain. Trong đó, có đến 15% doanh nghiệp đã hoàn thành quá trình này.
Đây là kết quả dựa trên nghiên cứu mới nhất từ PwC mang tên "Thời kỳ của Blockchain đã đến, động thái tiếp theo của bạn là gì?" Báo cáo dựa trên khảo sát với 600 giám đốc điều hành tại 15 quốc gia và vùng lãnh thổ về sự phát triển của blockchain và quan điểm của họ về tiềm năng của công nghệ này.
Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành trung tâm hoạt động mạnh nhất về blockchain
Với việc blockchain đang định hình lại kinh doanh và thương mại, nghiên cứu của PwC cho thấy một tín hiệu rõ ràng: các tổ chức đang lo sợ bị tụt hậu khi blockchain đang ngày một phát triển trên toàn cầu và mở ra hàng loạt các cơ hội mới cho doanh nghiệp, từ giảm chi phí đến tăng tốc độ, nâng cao minh bạch và mang đến khả năng truy xuất nguồn gốc.
Khoảng một phần tư các lãnh đạo doanh nghiệp báo cáo việc đang thí điểm triển khai blockchain (10%) hoặc đã hoàn tất triển khai các ứng dụng (15%). 32% doanh nghiệp đang có dự án đang phát triển và 20% đang trong quá trình nghiên cứu.
Mỹ (29%), Trung Quốc (18%) và Úc (7%) được xem là 3 quốc gia phát triển các dự án blockchain tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên, các lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện khảo sát tin rằng, chỉ trong vòng 3-5 năm tới, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ (30%) để trở thành trung tâm có ảnh hưởng và hoạt động mạnh mẽ nhất về blockchain.
Khảo sát phản ánh rằng dịch vụ tài chính là lĩnh vực mà blockchain đang có nhiều bước tiến mạnh mẽ nhất. Theo đó, 46% người trả lời cho rằng đây là lĩnh vực dẫn đầu về blockchain và 41% cho rằng lĩnh vực này sẽ dẫn đầu trong tương lai gần (3-5 năm tới). Các lãnh đạo doanh nghiệp trong khảo sát cũng cho rằng các ngành như năng lượng và tiện ích (14%), chăm sóc sức khỏe (14%) và sản xuất công nghiệp (12%) có tiềm năng phát triển lớn trong 3-5 năm tới.
"Các lãnh đạo doanh nghiệp cho chúng tôi biết rằng, không ai muốn tụt hậu với công nghệ blockchain, ngay cả khi công nghệ này vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển với nhiều mối lo ngại về lòng tin và quy định, chính sách. Nếu được thiết kế tốt, blockchain không chỉ giúp cắt giảm các khâu trung gian, mà còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tốc độ, phạm vi tiếp cận, tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc cho nhiều quy trình kinh doanh. Đây có thể là đề án kinh doanh hấp dẫn, nếu các tổ chức thật sự hiểu rõ tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ để phù hợp với thiết kế có sẵn của họ", Steve Davies, Lãnh đạo Blockchain của PwC bình luận.
Blockchain sẽ đem lại được lợi ích to lớn nhất khi được phát triển và phân phối thông qua các nền tảng được chia sẻ rộng rãi trong từng ngành. Tuy nhiên, nghiên cứu của PwC cũng lưu ý rằng điều này sẽ chỉ xảy ra nếu các công ty trong ngành – bao gồm cả các đối thủ cạnh tranh - đồng ý với những tiêu chuẩn chung và hoạt động cùng nhau.
Lòng tin là rào cản lớn nhất để ứng dụng blockchain
Bất chấp tiềm năng của công nghệ này, nhiều phản hồi (45%) cho biết lòng tin là một trong những rào cản lớn nhất để ứng dụng blockchain. Lo ngại về lòng tin giữa những người dùng cao nhất ở Singapore (37%), Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất – UAE (34%) và Hồng Kông (35%). Điều này phản ánh một phần sự thống trị của dịch vụ tài chính trong tiến trình phát triển blockchain. Ngoài ra, 48% cho rằng quy định cho blockchain vẫn còn thiếu rõ ràng. Mối lo ngại về sự thiếu rõ ràng trong quy định cao nhất ở Đức (38%), Úc (37%) và Anh (32%).
"Xét về bản chất của blockchain, công nghệ này đáng lẽ nên mang đến niềm tin. Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty đang phải đối đầu với nhiều vấn đề về sự tin tưởng ở khắp mọi nơi. Việc không làm rõ đề án kinh doanh ngay từ đầu đã dẫn đến việc các dự án bị đình trệ. Các doanh nghiệp cần phải nỗ lực nhiều hơn vào việc xây dựng, thiết kế để tìm cách giải quyết các mối lo ngại về lòng tin và pháp lý. Xây dựng và triển khai blockchain để nhận ra tiềm năng của công nghệ này không chỉ là một dự án CNTT. Đây là sự chuyển dịch của cả hệ thống mô hình kinh doanh, vai trò và quy trình. Nó cần một đề án kinh doanh rõ ràng, một hệ sinh thái để hỗ trợ, với các quy tắc, tiêu chuẩn và tính linh hoạt để đối phó với việc các quy định sẽ bị thay đổi thường xuyên", ông Steve Davies cho biết.
Một phần ba những người phản hồi đã cho biết có rất ít hoặc không ứng dụng blockchain vì thiếu chi phí (31%), không biết bắt đầu từ đâu (24%) và các vấn đề quản trị (14%).
Tiềm năng blockchain ở Việt Nam rất lớn nhưng doanh nghiệp cần chú ý đến vấn đề bảo mật
Nhận định về tính bảo mật và sự phát triển của blockchain tại Việt Nam, ông Robert Trọng Trần, Lãnh đạo Dịch vụ An ninh mạng và Bảo mật của PwC Việt Nam cho biết: "Blockchain là xu hướng tất yếu của công nghệ. Tiềm năng phát triển các ứng dụng của blockchain tại Việt Nam cũng là rất lớn. Tại Việt Nam cũng đã liên tục diễn ra các sự kiện thảo luận về tầm quan trọng và ứng dụng của blockchain trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh".
Song theo ông Robert Trần, một điểm quan trọng mà các doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu về blockchain tại Việt Nam cần xem xét là tính bảo mật. Bởi lẽ dù xét trên quan điểm kỹ thuật, blockchain đang là công nghệ mang tính bảo mật tốt bậc nhất trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên nguy cơ bị tấn công vẫn có khả năng xảy ra do blockchain vẫn được hoạt động trên một nền tảng truyền thống. Do đó, các doanh nghiệp không thể tách rời các yêu cầu về bảo mật, an ninh thông tin ra khỏi sự phát triển của blockchain.
Trí Thức Trẻ
from Kinh Te Viet Nam http://cafebiz.vn/pwc-blockchain-co-tiem-nang-rat-lon-o-viet-nam-nhung-doanh-nghiep-hay-chu-y-van-de-bao-mat-20180830204753946.chn
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét