Làn sóng "hướng nam" của các tập đoàn Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan: Rời Trung Quốc chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam
tháng 9 03, 2018Ảnh minh họa.
"Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư Đài Loan trong việc chuyển dịch đầu tư về phía nam", ông Richard R.C. Shih - Trưởng Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam cho biết tại một sự kiện mới đây.
Dịch chuyển đầu tư về phía nam hay còn gọi là "chính sách hướng nam" của chính phủ Đài Loan (Trung Quốc) đang khuyến khích các doanh nghiệp của vùng lãnh thổ này đầu tư sang các nước phía nam của mình như Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia…
"Trong chiến lược của các tập đoàn xuyên quốc gia, Việt Nam đang là một điểm dừng quan trọng. Hiện người ta nói nhiều về chính sách hướng nam mới mà một loạt nền kinh tế đang đặt ra".
"Ví như các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… từng đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc, nhưng hiện đang có sự chuyển hướng đầu tư sang các nước hướng nam mà Việt Nam là điểm đầu tiên trong chính sách này, nhằm phân tán rủi ro, tạo năng lực cạnh tranh mới", TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tại cuộc họp báo công bố sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2018 (VBS 2018) mới đây.
Vì sao các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc muốn "hướng nam"?
Phân tích sâu hơn về xu hướng dịch chuyển đầu tư này, TS. Lộc cho biết các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) có 2 nguyên tắc chọn địa bàn kinh doanh:
- Dựa trên điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi và chi phí thấp;
- Phân tán rủi ro, không bỏ trứng trong một giỏ
Thời gian vừa rồi, các tập đoàn đã tập trung đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc – một thị trường rất lớn với chi phí kinh doanh rất thấp ở giai đoạn đầu. Nhưng hiện chi phí kinh doanh đang tăng lên, cộng thêm những xung đột thương mại trong thời gian gần đây khiến Trung Quốc đã ít hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
"Việc chuyển dịch các dự án đầu tư ra khỏi Trung Quốc để đầu tư vào các nước ASEAN sẽ là một hướng đi quan trọng. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng có hướng đi này. Chính phủ Hàn Quốc cũng tuyên bố về chính sách hướng nam mới, Đài Loan (Trung Quốc) cũng vậy", ông Lộc nói.
"Khi dịch chuyển đầu tư theo hướng nam, Việt Nam sẽ là địa điểm đầu tiên các doanh nghiệp lựa chọn".
Ngoài vị thế địa lý gần Trung Quốc, ông Lộc cho rằng Việt Nam còn có 3 ưu thế khác: Tình hình chính trị ổn định, Quy mô thị trường lớn, và Nguồn nhân lực trẻ với chi phí thấp.
Theo kết quả khảo sát của Jetro về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2017, có khoảng 65,1% doanh nghiệp làm ăn có lãi, tăng 2,3 điểm phần trăm so với năm trước. Có khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch "mở rộng kinh doanh" và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng.
"Ở khu vực ASEAN, tỷ lệ này là 60%, tỷ lệ từ cuộc khảo sát của các doanh nghiệp Nhật tại Trung Quốc còn thấp hơn, chỉ hơn 40%", ông Lộc nói. Tức Việt Nam là thị trường có tỷ lệ các doanh nghiệp Nhật có kế hoạch mở rộng kinh doanh cao nhất.
Chủ tịch VCCI nhắc lại câu nói trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị APEC CEO Summit tổ chức ở Đà Nẵng năm 2017, đề cập vị trí của Việt Nam là "very heart of the Indo-Pacific" (tạm dịch: Trái tim của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương).
"Thượng Hải, Hongkong, Singapore, Bangkok… đều là các trung tâm kết nối rất quan trọng, và Việt Nam lại được bao quanh bởi các trung tâm này, chỉ mất thời giờ di chuyển chừng 1 tiếng đồng hồ", ông Lộc nói.
"Vậy tại sao Việt Nam không thể trở thành trung tâm, trở thành một điểm kết nối để đến các điểm này? Với vị trí địa kinh tế của chúng ta, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành điểm kết nối của khu vực và thế giới. Chúng ta là một nước đang phát triển sở hữu nhiều hiệp định thương mại tự do, là nền kinh tế thuộc loại mở nhất".
Theo Trí Thức Trẻ
from Kinh Te Viet Nam http://cafebiz.vn/lan-song-huong-nam-cua-cac-tap-doan-nhat-ban-han-quoc-dai-loan-roi-trung-quoc-chuyen-huong-dau-tu-vao-viet-nam-20180903090836024.chn
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét