Gai xương gót chân
tháng 10 31, 2018Ảnh minh họa. Nguồn: yellowpages.ca
Gai xương gót là tình trạng thoái hóa vùng mặt dưới xương gót dẫn đến sự tân tạo xương tại chỗ tạo thành một gai nhọn hoặc là sự mọc ra của xương ở bờ rìa của khớp (có người bị gai gót chân nhưng không có cảm giác đau). Bệnh hay gặp ở người trung niên, liên quan tới vận động nhiều, hay khiêng vác nặng với tỉ lệ cân bằng giữa hai giới nam và nữ. Muốn xác định được bệnh thì cần phải khám và chụp X-quang. Gai xương gót là hình ảnh có một xương nhỏ nhô ra ở mặt dưới gót chân trên phim chụp X-quang.
Cơ chế của gai xương gót
Do sức nặng của cơ thể đè nén vào vùng gân gan chân trong một thời gian dài. Khi thực hiện động tác bước đi, một chân nhấc lên, một chân làm trụ để nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Thực tế khi di chuyển, trọng lượng dồn lên chân sẽ gấp 20 lần trọng lượng bản thân. Trọng lượng đó sẽ được giảm nhẹ bởi một lớp mỡ mềm đệm ở dưới gót chân và một bản gân gan chân dày, rộng.
Đối với người lao động mang vác nặng trong một thời gian dài hoặc ở những vận động viên khởi động chưa kỹ, sức nặng cơ thể sẽ đè quá mức vào vùng bắp chân và gân cơ Achille và tập trung vào vùng gót chân. Khi cơ cẳng chân và gân Achille bị quá tải sẽ làm căng cân cơ vùng gan chân dẫn đến phản ứng viêm quanh gân, thậm chí làm đứt gân cơ. Mỗi khi ngồi, ngủ hoặc thả lỏng chân, cơ vùng gan chân có xu hướng co lại như một phản xạ tự nhiên để chống lại các chấn thương gây tổn thương cơ, do đó hiện tượng đau tại chỗ sẽ giảm đi. Nếu tiếp tục các động tác vận động, đi lại có thể xuất hiện tình trạng đau trở lại.
Để chống lại các chấn thương nhắc đi nhắc lại liên tục, cơ thể tự khắc phục giống như cách nó sửa chữa các vi gẫy xương, tức là bồi phụ một lớp canxi mới bao bọc quanh gân gan chân. Kết quả là hình thành xương nhỏ ở mặt dưới gót chân, gọi là gai xương gót. Tuy nhiên, cần lưu ý không phải bất cứ gai xương gót nào cũng gây đau gót chân. Thực tế là nhiều người chụp X-quang có gai xương gót mà không một lần trong đời xuất hiện đau gót; hoặc nhiều người điều trị hết đau mà gai xương gót vẫn tồn tại. Ngược lại có những người đau ở gót chân mà không có gai xương. Gai xương gót về bản chất là quá trình tân tạo xương mới để chống lại những áp lực tác động vào cân cơ vùng gan chân.
Nguy cơ gai xương gót
- Là người người béo phì, tuổi trung niên (trên 40 tuổi). Ở những người này lớp mỡ đệm ở gan chân co lại, thoái triển theo thời gian dẫn đến cơ chế đệm kém hiệu quả.
- Vận động viên phải luyện tập, thi đấu hằng ngày, cường độ cao.
- Những người có khiếm khuyết ở chân, ví dụ tật bàn chân hơi sấp, quặp vào trong.
Triệu chứng bệnh gai xương gót
Đau nhức nhối, chói buốt ở vùng gan chân hay xương gót. Điển hình là triệu chứng đau kiểu cơ học: đau tăng sau một đợt vận động mạnh đột ngột hay kéo dài, giảm sau khi nghỉ ngơi một thời gian.
Đau nhất thường vào buổi sáng, khi mới ngủ dậy và thực hiện những bước đi đầu tiên trong ngày, phải đi đi lại lại một lúc mới giảm cảm giác đau.
Cũng có khi đau khởi phát sau một động tác mạnh đột ngột như vận động viên chạy đạp chân mạnh để lấy đà chạy. Đau cũng tăng lên nhiều hơn khi đi lại trên bề mặt cứng hoặc khiêng vác vật nặng. Đau nhiều có thể ảnh hưởng tới công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày.
Khám bệnh lâm sàng: Dùng ngón cái ấn tại chỗ gót chân đau chói, buốt. Nếu yêu cầu bệnh nhân đứng bằng gót chân đau thường tăng đau rất nhiều.
Cần chụp phim X-quang vùng gót chân để phát hiện hình ảnh gai xương gót là một gai nhọn nhỏ mọc lên từ mặt dưới xương gót ở vùng gan chân. Tuy nhiên quan trọng hơn là để phát hiện những tổn thương khác nguy hiểm hơn cũng gây đau xương gót như viêm nhiễm xương, gãy xương, u xương gót hay ápxe phần mềm tại chỗ.
Điều trị bệnh gai xương gót
Dù ở giai đoạn nào thì điều quan trọng là phải đi giày mềm vừa chân. Có thể lót một lớp đệm dày, đàn hồi như cao su vào đế giày. Giảm các hoạt động vận động liên quan đến đi lại nhiều, khiêng vác vật nặng. Nghỉ ngơi, thư giãn chân bằng cách gác chân cao, tránh đi lại.
Thực hiện theo nguyên tắc RICE là viết tắt của các từ tiếng Anh. Rest: Nghỉ ngơi, Ice: Chườm đá tại chỗ, Compression: Băng chun gan chân để hỗ trợ chân, Elevation: Gác chân lên cao khi nghỉ.
Có thể thực hiện các bài tập mátxa gan chân, các biện pháp vật lý trị liệu như siêu âm, sóng ngắn, hồng ngoại chiếu tại chỗ. Trường hợp đau nhiều có thể dùng thuốc chống viêm giảm đau không steroid như aspirin, diclofenac, meloxicam, piroxicam..., đơn thuần hay kết hợp với thuốc giảm đau nhóm paracetamon. Tiêm corticoid tại chỗ gan chân cũng là một biện pháp giảm đau tại chỗ khá hiệu quả, thường chỉ định khi các biện pháp trên không có tác dụng. Cần lưu ý chỉ tiêm khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa xương khớp, trong điều kiện tuyệt đối vô khuẩn để tránh những tác dụng phụ có thể xảy ra như nhiễm khuẩn phần mềm tại chỗ hay cốt tủy viêm...
Trường hợp đau gót chân dai dẳng, các biện pháp nội khoa không có hiệu quả có thể xét phẫu thuật cắt bỏ gai xương gót. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đau trong bệnh gai xương gót không đơn thuần chỉ do yếu tố cơ học (gai xương) mà còn có yếu tố viêm tại chỗ, quanh các gân vùng gan chân. Vì vậy, phẫu thuật cắt gai cần cân nhắc hết sức thận trọng và ít khi cần được chỉ định. Những người thường xuyên đau gót chân cần đến khám tại các cơ sở chuyên khoa xương khớp để được tư vấn, phát hiện các bất thường về cấu tạo chân, bàn chân từ đó có các biện pháp chỉnh hình hay phẫu thuật thích hợp.
Tiên lượng bệnh
Nhìn chung bệnh không nguy hiểm nhưng nhiều khi khó điều trị dứt điểm. Đa số các trường hợp chỉ bị đau ít, tương ứng với tổn thương gân nhẹ, giảm đau sau ít tuần hay ít tháng nhưng dễ tái phát. Một số trường hợp nặng có thể đứt gân gan chân.
Phòng bệnh
Dành thời gian để khởi động kỹ khớp cổ chân và căng cơ chân trước khi lao động hay chơi thể thao. Sau đó thư giãn, thả lỏng chân, gác chân cao, mát xa gan chân.
Nếu cần tập chạy hay đi bộ, tốt nhất là thực hiện cuộc chạy hay đi bộ nhiều lần trong một tuần với quãng đường ngắn hơn là chạy một lần với quãng đường dài, gắng sức. Cần lượng sức mình, đừng đánh giá quá cao khả năng của bản thân để rồi thực hiện các vận động hay lao động quá sức.
Nếu cần, hãy tìm kiếm lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa về kế hoạch luyện tập thích hợp với bản thân nhằm giúp cơ thể có thời gian dần thích ứng. Đối với những người béo phì cần giảm béo bằng chế độ ăn cũng như vận động thích hợp. Phát hiện sớm, sửa chữa kịp thời các dị tật bàn chân.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế)
from Kinh Te Viet Nam https://tuoitre.vn/gai-xuong-got-chan-2018103115194232.htm
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét