Người Việt chi 4 tỷ USD du học mỗi năm, riêng Hà Nội và TPHCM có tới 450 trung tâm tiếng Anh, ngành giáo dục đang là mỏ vàng đối với giới đầu tư?
tháng 10 04, 2018Ảnh minh họa. Nguồn: Dân Việt.
"Các trường quốc tế tại Việt Nam dự kiến sẽ đón nhận một làn sóng hồ sơ xin theo học lớn của học sinh Việt sau khi Nghị định nới lỏng giới hạn tỷ lệ học sinh Việt tại các trường này", ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam dự đoán.
Có hiệu lực từ ngày 01/08/2018, Nghị định 86 mới đây đã nới trần tỷ lệ học sinh Việt Nam được học trường quốc tế từ 10% lên mức gần 50%.
Sửa đổi này đem đến một cơ hội lớn cho các nhà đầu tư quan tâm đến việc xây dựng trường học quốc tế tại Việt Nam. Giới hạn này đã từng là một cản trở lớn cho nguồn vốn nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là tại các tỉnh thành khác ngoài Hà Nội và TPHCM, nơi số lượng expat (người nước ngoài) không lớn nhưng có nhiều gia đình Việt khá giả muốn đầu tư vào việc học tập của con cái.
"Khi nền giáo dục nước nhà còn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, nhiều gia đình khá giả đã chọn giải pháp cho con đi du học", ông Troy nhìn nhận.
Theo số liệu của Viện Thống kê của UNESCO, số lượng du học sinh Việt Nam đã tăng trung bình 12%/năm từ 50 ngàn học sinh năm 2012 lên đến xấp xỉ 80.000 học sinh năm 2016. Chia sẻ tại phiên chất vấn hồi tháng 6/2018, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết hàng năm số HSSV ra nước ngoài học, nghiên cứu nhiều, với khoảng 3 - 4 tỷ USD dưới dạng các chi phí khác nhau.
"Những con số này cho thấy ngành giáo dục tại Việt Nam cần có những phương án thay thế và càng nhấn mạnh hơn nữa tiềm năng đầu tư trong lĩnh vực này", ông Troy nói.
Hàng loạt nhà đầu tư rót tiền vào các trung tâm ngoại ngữ
Các trung tâm dạy tiếng Anh cũng đã phát triển đáng kể trong những năm qua. TPHCM và Hà Nội có khoảng 450 trung tâm tiếng Anh, trong đó ILA và Apax đang dẫn đầu thị trường. Theo Chỉ số thành thạo tiếng Anh (Education First English Proficiency Index - EFEPI) năm 2017 Việt Nam xếp hạng thứ 7/20 nước được đánh giá. "Điều này cho thấy khát vọng hòa nhập và vươn lên của đất nước các bạn", ông Troy đánh giá.
Bên cạnh đó, nhiều giao dịch M&A đã diễn ra trong lĩnh vực giáo dục. Cognita, một quỹ giáo dục, đã mua Trường Quốc tế TPHCM (International School of HCMC - ISHCMC) và Trường Tiểu học Saigon Pearl.
Quỹ North Anglia đã mua Trường Quốc tế Anh Quốc (British International School), và TPG, một quỹ đầu tư Mỹ, đã sát nhập Trường Việt – Úc (Vietnam-Australia School - VAS). EQT đầu tư vào ILA, một chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn tại Việt Nam. IFC đầu tư vào chuỗi trung tâm tiếng Anh Hội Việt – Mỹ (Vietnam-USA Society - VUS); Mekong Capital đầu tư và trung tâm tiếng Anh Yola; và IAE đầu tư và Đại học Western University.
"Luồng vốn đầu tư lớn vào các trường quốc tế cho thấy tiềm năng phát triển của giáo dục quốc tế tại Việt Nam... Các nhà đầu tư ngày càng quan tâm hơn đến các trung tâm ngoại ngữ do nhu cầu nâng cao ngoại ngữ của học sinh sinh viên để đáp ứng yêu cầu việc làm mới", sếp Savills nhìn nhận.
Trước nguồn cầu ở mức cao, nguồn cung sẽ đáp ứng theo mô hình và quy mô nào?
Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam còn tồn tại một số thách thức, bao gồm một số hạn chế về các chương trình và một số những quy định về thủ tục. Giáo dục được ghi nhận là một trong những ngành vẫn còn tồn tại khá nhiều vấn đề cần xử lý triệt để như hối lộ nhập học, nâng điểm thi và kết quả học tại tất cả các cấp, sao chép, đạo văn, gian lận thi cử, giả mạo bằng cấp và khai khống ngân sách giáo dục để trục lợi cá nhân, v.v.
Những quy định khắt khe của chính phủ Việt Nam cũng có thể là một thách thức cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Thuế suất cao, vốn đầu tư tối thiểu cho từng loại tổ chức và hợp tác giáo dục, yêu cầu về nhân lực và quy trình cấp phép phức tạp chính là những rào cản ban đầu cho bất kỳ nhà đầu tư nào. Nghị định 86 mới được ban hành cho phép 5 loại tổ chức giáo dục: tổ chức đào tạo ngắn hạn, trường mẫu giáo mầm non, tổ chức giáo dục bậc phổ thông (tiểu học, THCS, THPT và liên cấp, tổ chức giáo dục bậc cao và các chi nhánh của các tổ chức giáo dục cấp cao quốc tế.
Sếp Savills Việt Nam nhìn nhận: Với 41% dân số thuộc "thế hệ vàng" (dưới 24 tuổi), số lượng người giàu và gia đình trung lưu ngày một tang mạnh, người Việt Nam sẽ sớm có khả năng chi trả nhiều hơn cho việc học tập của con cái theo một tiêu chuẩn giáo dục cao hơn.
"Dự kiến nguồn cầu cho giáo dục bậc cao tại Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao. Câu hỏi đặt ra là: Nguồn cung sẽ đáp ứng theo mô hình và quy mô nào?", ông Troy đặt dấu hỏi.
Theo Trí Thức Trẻ
from Kinh Te Viet Nam http://cafebiz.vn/nguoi-viet-chi-4-ty-usd-du-hoc-moi-nam-rieng-ha-noi-va-tphcm-co-toi-450-trung-tam-tieng-anh-nganh-giao-duc-dang-la-mo-vang-doi-voi-gioi-dau-tu-20181004155209385.chn
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét