2018 khép lại với chuyện về lòng tốt ở khắp nơi
tháng 12 31, 2018Lòng tốt ở khắp nơi, hiện diện trong những con người dung dị nhất, ở mọi hoàn cảnh, vùng miền. Và lòng tốt có khả năng lan tỏa mạnh mẽ, ngay lập tức, vô điều kiện…
TTCT ghi lại một số câu chuyện giản dị về lòng tốt, sự tử tế, bao dung của con người Việt Nam trong một năm qua - một bức tranh không thể đầy đủ nhưng vẫn mang lại cho ta rất nhiều hy vọng và niềm tin về nhân tính tốt lành.
Trái ngược hàng loạt tin tức về những vụ xe chở hàng bị lật, hàng hóa đổ tung bên đường và bị người qua đường hoặc dân sở tại xúm vào… hôi của trong năm 2017, năm 2018 đọng lại không ít hình ảnh đẹp của lòng tốt và sự giúp đỡ vô tư, nhiệt thành của người dân nhiều vùng trong những vụ tai nạn tương tự.
Một xe tải chở nước ngọt lâm nạn tại xã Tiến Thành, Phan Thiết (Bình Thuận), một xe tải chở nước ngọt khác chạy trên tuyến đường Hà Nội - TP Tam Điệp (Ninh Bình), một xe tải chở bia và nước giải khát lật ở ven quốc lộ 29, xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa, Phú Yên)… khi gặp nạn, hàng trăm thùng hàng bị rơi ngổn ngang trên đường đều được các tài xế, người dân sống gần đó và người đi đường, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em đến tận tình giúp đỡ, gom hàng hóa chưa bị hư hỏng đưa lên xe.
Không ai "hôi" một lon nào.
Người dân giúp gom hàng hóa từ xe tải bị lật tại quốc lộ 29 qua xã Hòa Phong (Tây Hòa, Phú Yên) sáng 4-12 - Ảnh: FB THANH THUY LE
Một nhóm cô giáo một trường tiểu học Đại Nài (TP Hà Tĩnh) thấy cuộc sống khó khăn của các học trò vùng núi, trong đó, một học sinh đi bộ đường tắt lội qua cống bị nước cuốn trôi, đã đi xin và mua lại xe đạp cũ về sửa để mang tặng học trò.
Một người thợ sửa xe đã giúp các cô sửa chữa và thay thế linh kiện hoàn toàn miễn phí. 14 chiếc xe đạp cũ được các cô đưa lên vùng núi Hương Khê và Vũ Quang để trao tặng cho các em.
Nhiều giáo viên đã không ngại việc dùng tài khoản Facebook cá nhân kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng cho các học trò nghèo của mình… Ba năm qua, cô Ngô Thị Hoa, hiệu trưởng trường tiểu học Trà Nham (Quảng Ngãi) lên Facebook kêu gọi sự giúp đỡ, xin từ quần áo tới phòng học thay thế cho những điểm trường tranh tre nứa, xin có thêm thực phẩm cho các em.
Những lời "đi xin" của người giáo viên này đã lay động cộng đồng. Lòng tốt tiếp nối, những lớp học kiên cố ở đây đã được xây dựng, những món tiền nhỏ gửi lên giúp học trò có thêm đồ ăn, ngôi trường được sửa sang đã giữ chân các học trò người Cor ở lại, những giáo viên ở đây được truyền năng lượng tích cực để quyết tâm bám trụ vùng núi dạy học.
Dự án Sách hay cho học sinh tiểu học do cô giáo dạy văn Hoàng Thị Thu Hiền và nhóm 19 tình nguyện viên: đến năm 2018, dự án này đã mang sách đến 41 huyện, 795 trường trong nhiều tỉnh thành, nhất là các huyện miền cao, vùng sâu, nghèo.
Trong cuộc lội ngược dòng đưa sách về tận nơi đang có nhiều học sinh "đói sách" này, khâu được dành thời gian và tâm sức nghiêm túc nhất là chọn sách có giá trị để tặng, cùng một hành trình mang sách đến tận nơi trong tinh thần "cách cho hơn của đem cho" với những cuộc giao lưu, trò chuyện trực tiếp với các em về sách và tình yêu đọc. Tổng giá trị sách và tạp chí dự án đã tặng là hơn 4,7 tỉ đồng.
Hơn 640 giáo viên ở huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi – những người có mức lương chưa đầy 3 triệu đồng - đã bất chấp việc bị người thân học trò xua đuổi, mắng mỏ, đứng ra đỡ đầu cho 643 học trò khó khăn ở khắp các điểm trường trong huyện. Từ sự cưu mang này, học trò trở lại lớp và tiến bộ như một câu chuyện cổ tích.
Biết mình sẽ qua đời khi mắc bệnh ung thư thần kinh đệm não cầu, bé gái Hải An, chỉ mới 7 tuổi, quyết định hiến giác mạc đem lại ánh sáng cho 2 bệnh nhân, để một phần tốt đẹp của em ở lại với đời.
Câu chuyện của em đã gây xúc động cộng đồng, dấy lên những hành động tích cực, sẻ chia và quan tâm giữa người và người. Hơn 2300 lá đơn hiến tạng - một mức tăng 100 lần tính đến ngày 6/3/2018, bằng cả nửa năm đi vận động hiến tặng mô tạng ở nhiều địa phương của cán bộ Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia - đã được gửi tới Trung tâm này, như bằng chứng rõ ràng nhất về ngọn lửa cảm hứng mà em lan tỏa.
Bé gái Nguyễn Vân Nhi (sinh năm 2006, ở Ba Đình, Hà Nội) quyết định hiến tặng giác mạc của mình trong những ngày sống cuối cùng. Em đã nháy mắt đồng ý khi trong lời cuối với em, mẹ em thầm thì: "Mẹ sẽ làm những việc có ý nghĩa nhất để lúc nào con cũng có thể nhìn thấy bố mẹ và ông bà. Con khẽ nháy mắt đồng ý để nhường lại ánh sáng cho các bạn khác". 10 năm ròng bị căn bệnh hành hạ, bé Nhi học tới lớp 6, chỉ nặng 28 kg nhưng là một người có nghị lực mạnh mẽ và học rất khá.
Một lái xe Grab đã không ngần ngại thời tiết nóng và hành trình mưu sinh khó khăn của mình, dừng lại giúp một cô gái nước ngoài tìm lại chiếc ví rơi lọt dưới cống. "Thêm lý do để yêu con người Việt Nam"- cô gái Albany Owens chia sẻ trên mạng xã hội câu chuyện này với nỗi cảm kích và ngưỡng mộ.
Hàng loạt bình luận tích cực khác về con người và đất nước Việt Nam sau câu chuyện này được tiếp tục chia sẻ.
Câu chuyện xúc động của bác sĩ nội trú trẻ Nguyễn Thanh Sang (BV ĐH Y Dược TPHCM) được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội vào tháng 4-2018. Trong giờ nghỉ trưa, anh phát hiện một phụ nữ bán vé số vào tiệm thuốc tây mua thuốc cho con nhỏ đang bị sốt.
Đơn thuốc được bán nhưng trước đó con chị không hề được khám khiến người bác sĩ vô cùng lo lắng. Hiểu hoàn cảnh khó khăn của chị bán vé số, anh đề nghị đưa con chị đi khám, và nhờ những người bạn cũng là bác sĩ và điều dưỡng trong bệnh viện chụp phim, xét nghiệm máu và cấp cho bé toa thuốc mới…
Người mẹ đã để lại hai tờ vé số thay lời cảm ơn của chị - điều mà người bác sĩ này sau đó kể lại: "Anh cử nhân X-quang nhìn tôi cười. Anh điều dưỡng cũng nhìn tôi cười. Còn tôi nhìn hai mẹ con chị đi tất tả mà tôi cười. Cảm ơn chị đã bán tôi 20 ngàn niềm vui".
Bức ảnh chụp Đạt - một cậu bé cùng mẹ lang thang quanh khu vực nhà thờ Đức Bà để nhặt ve chai, nhìn thấy những đôi giày của các bạn học sinh đi dã ngoại nằm ngổn ngang dưới đất, đã nhặt từng đôi xếp vào ngay ngắn được một người qua đường ghi lại ngày 3-3-2017.
Bức ảnh trở thành một chủ đề hot nhất trên mạng xã hội lúc đó, thu hút hàng nghìn người quan tâm và sẵn lòng giúp đỡ. Ngày 5-9-2018, bé Đạt được đón ngày khai giảng đầu đời của mình ở một ngôi trường khang trang, nơi em được tài trợ toàn bộ chi phí cho 12 năm học.
Mẹ em được một công ty nhận vào làm việc, chấm dứt chuỗi ngày lang bạt khắp nơi. Lòng tốt vô tư của bé Đạt khi xếp lại giày ngay ngắn cho các bạn, lòng tốt của anh Nghĩa Phạm - người đã chia sẻ tấm ảnh trên mạng xã hội và sau đó nhận làm cha nuôi của Đạt để giúp đỡ bé lâu dài và đúng cách, cùng lòng tốt của rất nhiều người khác đã gặp nhau và lan tỏa.
Giữa lúc cơn bão số 9 đổ bộ hoành hành, hàng loạt khách sạn ở Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cần Giờ (TP HCM), Phú Quý (Bình Thuận)… đã mở cửa đón người dân vào tránh bão miễn phí.
Một người chủ khách sạn ở Vũng Tàu mở cửa, thông báo đón mọi người đang di tản, gồm cả những người bán vé số dạo, thiếu nơi ở… vào khách sạn trú ngụ. Những chủ khách sạn khác thông báo trên internet kêu gọi mọi người cơ nhỡ đến chỗ mình tá túc. Tình đồng bào đã đưa mọi người đến gần nhau.
Một vụ va chạm giao thông thường thấy trên đường phố: một chiếc ô tô đâm một xe máy do một người cha đang chở hai đứa con ngày 4-6 tại ngã ba Tố Hữu - Mỗ Lao (Hà Nội). May mắn, ông bố tránh kịp.
Nhưng đoạn video về vụ va chạm này do anh Trần Trung Nguyên, thành viên diễn đàn otofun.net đăng tải, cho thấy ông bố trẻ có một xử sự khác thường: Anh dọa nạt để buộc người lái ô tô tắt máy xe và bước xuống bằng được, nhằm mục đích ngăn người này, lúc đó đang say rượu, tiếp tục tham gia giao thông. Bài "thuyết giảng" mạnh mẽ về trách nhiệm với mạng sống của người khác mà anh dành cho người lái xe ô tô đã khiến cộng đồng kính nể.
Anh kiên quyết yêu cầu ông này gọi người nhà tới lái xe về để chắc chắn ông ta không tiếp tục gây thêm tai nạn khác. Ứng xử có phần khác lạ nhưng bình tĩnh và văn minh đó là một điểm đáng trân trọng trong bối cảnh tai nạn giao thông ở VN vẫn rất nghiêm trọng.
KIỀU NHI
BẢO SUZU
from Kinh Te Viet Nam https://tuoitre.vn/2018-khep-lai-voi-chuyen-ve-long-tot-o-khap-noi-201812282355013.htm
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét