Lính Việt Nam ở châu Phi - kỳ 4: Hai lần đến châu Phi
tháng 12 24, 2018Trung tá Vũ Văn Hiệp với ông David Shearer - đặc phái viên của tổng thư ký LHQ, trưởng Phái bộ UNMISS (Nam Sudan) - Ảnh: NVCC
Tháng 4-2015, khi còn là thiếu tá, Vũ Văn Hiệp là một trong ba sĩ quan Việt Nam đầu tiên được cử đến Phái bộ GGHB của LHQ tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA). Anh có một năm làm nhiệm vụ tại đây với cương vị là sĩ quan tham mưu về đào tạo và huấn luyện.
Trong làn đạn Trung Phi
Cách đây nửa năm, tháng 6-2018, trung tá Hiệp lại được cử đi Nam Sudan - một quốc gia châu Phi khác cũng đang chìm trong bất ổn, xung đột và nghèo đói.
Lần này, anh được cử đi làm nhiệm vụ GGHB với tư cách quan sát viên quân sự, đồng thời được Bộ Quốc phòng Việt Nam giao nhiệm vụ hỗ trợ việc triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam.
Trung Phi và Nam Sudan có những khó khăn, thử thách riêng. Đó cũng là trải nghiệm thú vị và giúp tôi trưởng thành hơn.
Trung tá VŨ VĂN HIỆP
"Trung Phi và Nam Sudan có những khó khăn, thử thách riêng. Đó cũng là trải nghiệm thú vị và giúp tôi trưởng thành hơn. Tôi đã ở Cộng hòa Trung Phi một thời gian đủ dài để thấy rõ sự khắc nghiệt của thời tiết, bệnh dịch cũng như an ninh bất ổn ở nơi này" - trung tá Hiệp tâm tình.
Theo anh, Trung Phi rơi vào vòng xoáy bạo lực kể từ khi tổng thống François Bozize bị lực lượng nổi dậy Hồi giáo Seleka lật đổ hồi tháng 3-2013.
Theo thống kê của LHQ, bạo lực ở quốc gia 5 triệu dân này đã khiến ít nhất 5.000 người thiệt mạng và 190.000 người phải chạy sang các quốc gia láng giềng xin tị nạn. Trung Phi là một trong những quốc gia đói nghèo, lạc hậu nhất thế giới.
Tình hình xung đột leo thang kéo dài ở Trung Phi là thử thách không hề dễ chịu với bất cứ nhân viên LHQ nào.
Trung tá Hiệp nhớ lại: "Chúng tôi đã chứng kiến thời điểm cực kỳ căng thẳng khi các bên đánh nhau ngay tại thủ đô Bangui, từ cuối tháng 9-2015 đến tháng 10-2015. Căng thẳng nhất là ngày 29-9-2015.
Hai bên đánh nhau từ 9h sáng. Đạn cứ nổ liên hồi, có cả âm thanh của vũ khí hạng nặng. Đạn giao tranh nổ ngay ngoài tường bảo vệ khu nhà nhân viên LHQ ở.
Bạo lực bùng phát đã khiến hơn 27.000 người dân Bangui bỏ nhà cửa vào trú ẩn ở các khu tị nạn. Hơn 500 tù nhân, trong đó có rất nhiều phiến quân Anti-Balaka, đã phá ngục thoát ra ngoài. Cướp bóc, đốt phá xe cộ diễn ra khắp nơi ở thủ đô Bangui, không kể ngày đêm.
Hai phe nổi dậy là Anti-Balaka và Seleka thực hiện các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau bằng mã tấu, súng, lựu đạn và mìn tự chế. Suốt thời gian diễn ra căng thẳng đó, nhân viên LHQ không thể ra đường".
Trung tá Vũ Văn Hiệp cùng đồng nghiệp làm việc với chỉ huy lực lượng quân sự của Nam Sudan tại Mundri - Ảnh: NVCC
Tự hào hai tiếng Việt Nam
Tại Nam Sudan năm 2018, trung tá Hiệp làm việc tại phòng quan sát viên quân sự thuộc Phân khu Nam của Phái bộ GGHB của LHQ (UNMISS).
"Quan sát viên quân sự là cầu nối giữa phái bộ với các cơ quan địa phương và lực lượng quân sự, an ninh của Chính phủ Nam Sudan và cả lực lượng đối lập; thực hiện các buổi tuần tra hỗn hợp, giám sát các hoạt động thực thi hòa bình ở Nam Sudan.
Vất vả nhất là khi chúng tôi đi hộ tống các đoàn vận tải hàng hóa, trang thiết bị của LHQ. Ở Nam Sudan, cả đất nước chỉ có khoảng 70km đường nhựa. Còn lại là đường đất, sình lầy. Quãng đường chỉ dài gần 150km nhưng mất đúng 14 tiếng mới về được căn cứ dã chiến!
Khi gặp các trạm kiểm soát của quân chính phủ hoặc quân đối lập, quan sát viên quân sự là người phải xuống trao đổi, đàm phán để được đi qua.
Lính gác ở đây đều đầu trần đứng dưới trời nắng. Những khẩu AK47 vắt vẻo trước bụng. Những cái đầu trần đó có thể nổi cáu bất cứ lúc nào" - trung tá Hiệp cho biết.
Theo trung tá Vũ Văn Hiệp, tại châu Phi, hai chữ VIET NAM trên ngực áo đã nhiều lần giúp anh thuận lợi hơn trong công việc.
"Khi tôi ở Trung Phi và bây giờ ở Nam Sudan, không chỉ đồng nghiệp các nước biết về Việt Nam mà cả người dân, từ trẻ em tới người lớn rất nhiều người cũng biết về Việt Nam. Nói đến Việt Nam là họ hô to: Việt Nam, Hồ Chí Minh! Việt Nam, Võ Nguyên Giáp!
Cảm thấy tự hào cuộn trào. Như các anh lính gác bảo vệ trước khu nhà nhân viên LHQ, hằng ngày mỗi khi thấy tôi đi qua cổng, họ đều nói: Việt Nam, kiên cường, Việt Nam, kiên cường" - trung tá Vũ Văn Hiệp kể.
Trung tá Vũ Văn Hiệp và lực lượng bảo vệ Nepal trong một chuyến công tác tới Terekeka (Nam Sudan) - Ảnh: NVCC
Ước vọng hòa bình cho dân châu Phi
Trung tá Vũ Văn Hiệp vẫn không quên ấn tượng khi lần đầu tiên đến Trung Phi, tháng 4-2015. Ngồi trên máy bay nhìn xuống thành phố Bangui, anh không thấy nhà cửa đâu, mà chỉ thấy hàng ngàn túp lều tị nạn tập trung ở một khu vực. Đó là khu bảo vệ thường dân của LHQ.
"Khi đi ngang qua trại tị nạn, cách tôi một hàng rào thép gai, ấn tượng nhất đối với tôi là hình ảnh các cậu bé chơi các khẩu súng đồ chơi làm bằng thanh tre. Chiến tranh và sự chém giết lẫn nhau đã gieo rắc bạo lực vào đầu những đứa trẻ.
Ở Trung Phi, chỉ 100 USD là mua được một khẩu AK. Còn ở Nam Sudan, việc người dân đi chăn bò vác theo AK là chuyện bình thường" - trung tá Hiệp chia sẻ.
Đã từng trải nghiệm những ngày xung đột leo thang kéo dài ở hai đất nước châu Phi nội chiến, trung tá Hiệp càng thấm thía hơn giá trị được sống ở một đất nước hòa bình.
Anh bảo: "Bao giờ hòa bình, ổn định mới lập lại được ở Trung Phi và Nam Sudan là một câu hỏi chưa có lời đáp.
Những ngày căng thẳng ở hai nước này khiến tôi nghĩ nhiều đến hạnh phúc bình dị ở Hà Nội: một chiều thu mát mẻ an bình, một ly cà phê trước cổng cơ quan ngắm mặt hồ Tây gợn sóng, những vại bia vỉa hè chém gió cùng bè bạn...
Những thứ đó không có trong giấc mơ của người dân châu Phi vô tội bởi lúc nào họ cũng bị nỗi sợ hãi, thù hận và chém giết bủa vây. Những gì họ đang làm là giữ an toàn mạng sống, kiếm miếng ăn bỏ vào miệng để khỏi đói gục trong khi trốn chạy bạo lực...".
Lính gìn giữ hòa bình Việt Nam được thiện cảm
Trung tá Hiệp cho biết: "Có rất nhiều người ở châu Phi biết và hiểu về Việt Nam hơn là mình nghĩ, kể cả lực lượng vũ trang, các phe phái. Dù quân hàm tôi không cao nhưng rất được tôn trọng.
Trong nhiều tình huống đối mặt với các nhóm vũ trang trên đường, nếu là sĩ quan nước khác sẽ bị họ làm khó dễ, nhưng thấy sĩ quan Việt Nam họ có thái độ hợp tác hơn".
Kỳ tới: Gìn giữ hòa bình là bảo vệ Tổ quốc từ xa
from Kinh Te Viet Nam https://tuoitre.vn/linh-viet-nam-o-chau-phi-ky-4-hai-lan-den-chau-phi-20181224111437981.htm
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét