Mời thử miễn phí - trò móc túi giá hơn tỉ USD
tháng 12 23, 2018Hình ảnh minh họa của việc “thả thính” thử miễn phí, quà tặng trên mạng - Ảnh: WOT
Leroy Tate và Linda Stodola, hai cư dân thành phố Omaha, bang Nebraska (Mỹ), là nạn nhân đã lên tiếng trong việc bị lừa dối từ các quảng cáo trên mạng.
Trong trường hợp của Tate, ông nghĩ rằng đã tìm thấy cách giảm cân tốt cho mình. "Trang web trông khá tốt, có những ví dụ chứng thực - ông Tate kể lại - Mọi thứ đều tốt".
Trường hợp của Stodola cũng như thế. Cô thấy sản phẩm chăm sóc da mà siêu mẫu Christie Brinkley tán dương. "Nếu nó được quảng bá quá tốt thì khó tin đó là sự thật, đằng này nó chỉ vừa phải mà thôi" - cô kể lại.
Khiếu nại tăng gấp đôi
Cũng như nhiều người tiêu dùng khác, Tate và Stodola đã đọc và tin vào những lời khẳng định gần như không thể tin được của những nhân vật nổi tiếng về các sản phẩm làm giảm cân hoặc làm đẹp. Và rốt cuộc họ đã bị lừa.
Vào sáng 12-12, cô Stodola và ông Tate đã tham gia cùng ông Jim Hegarty, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Văn phòng đạo đức thương mại của Omaha, để gióng lên hồi chuông cảnh báo về các quảng cáo lừa đảo người tiêu dùng và những sản phẩm lừa bịp.
Ông Hegarty dẫn chứng tại buổi họp báo: "Ủy ban Thương mại liên bang cho biết các khiếu nại của người tiêu dùng Mỹ đã tăng gấp đôi trong khoảng năm 2015 và 2017", dựa trên số liệu nghiên cứu từ tổ chức của ông.
Tính ra họ đã nhận đến 37.000 phàn nàn từ người tiêu dùng với các sản phẩm lừa đảo trên mạng.
Cô Stodola trong khi đó khẳng định cô rất vui vì đã có thể kể ra công khai câu chuyện của mình. "Tôi hi vọng sẽ giúp đỡ được những người khác từ câu chuyện thật của mình".
Báo cáo điều tra mới nhất của Văn phòng đạo đức thương mại đã nêu ra chi tiết cách các nhà quảng cáo lừa mị với những gợi ý thử hàng miễn phí và khiến người tiêu dùng bị mờ mắt không chú ý đến những chú dẫn cần thiết để tránh sai lầm.
Thực tế những kẻ lừa đảo thường nhắm vào đối tượng tiêu dùng khắp nước Mỹ với những mời gọi trên Facebook hoặc trên các trang web bằng cách dùng phát ngôn hoặc hình ảnh của những người nổi tiếng.
Tôi đã bị mất không 200 USD để mua thứ kem dưỡng da vớ vẩn. Lẽ ra tôi không nên sai lầm như thế
Nạn nhân Roxanne Barnes kể lại sai lầm mình từng phạm hồi năm 2017
Không có gì miễn phí
Hai nạn nhân Stodola và Tate chỉ mất chưa đến 100 USD mỗi người, nhưng nghiên cứu cho thấy các nạn nhân ở Mỹ thiệt hại trung bình 180 USD trong mỗi vụ lừa đảo.
Trong buổi họp báo mới đây, ông Hegarty cho biết nghiên cứu của tổ chức của ông đã tìm thấy nhiều chiến dịch quảng cáo lừa đảo rất chuyên nghiệp.
"Gần như các vụ quảng cáo lừa đảo đó đều khởi xướng từ Mỹ, nhưng sản phẩm thì bán ra khắp thế giới" - ông Hegarty khẳng định.
Vị chủ tịch Văn phòng đạo đức thương mại của Omaha cũng tiết lộ thêm rằng gần 3/4 số người tiêu dùng phàn nàn về các chương trình chào mời thử nghiệm miễn phí đều là phụ nữ ở mọi lứa tuổi.
Đáng nói hơn, riêng cho việc thử miễn phí sản phẩm cũng đã khiến người tiêu dùng mất hơn 1 tỉ USD trong 10 năm qua.
Theo tính toán, người tiêu dùng bị mất 4 - 5 USD cho mỗi mẫu thử miễn phí các sản phẩm như kem chống nhăn da hoặc thuốc viên giảm cân.
Vấn đề mà mọi người ít chú ý chính là việc số tiền bị thu chỉ đến ở tháng sau và khi họ cung cấp thông tin cá nhân cùng số thẻ tín dụng thì cứ ngỡ đó chỉ là thủ tục bình thường.
Bà Trudy Heatherly giải thích: "Tôi gọi đó là trò thả thính. Họ thả thính câu tôi rồi mới bắt đầu thịt tôi".
from Kinh Te Viet Nam https://tuoitre.vn/moi-thu-mien-phi-tro-moc-tui-gia-hon-ti-usd-20181214092554898.htm
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét