Nhân viên ngân hàng: Cuối năm đi, hay ở?
tháng 12 31, 2018Nhân sự ngành ngân hàng chưa bao giờ ổn định. Những tháng cuối năm, tình trạng nhảy việc của nhân viên các nhà băng cứ đến hẹn lại lên. Người trong ngành cứ nói vui với nhau đó như là "kỳ chuyển nhượng mùa Xuân". Bởi sau một năm kinh doanh, khi mà các chế độ lương, thưởng Tết hoàn tất cũng là thời điểm tốt nhất cho các nhân viên ngân hàng bắt đầu một sự thay đổi, một hành trình mới với những ước mong tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, thực tế kết quả các cuộc nhảy việc này liệu có tươi sáng như nhiều người vẫn nghĩ?
Cuối năm: ra đi hay ở lại?
Thời điểm cuối năm là lúc mà những người làm ngân hàng thường suy nghĩ về việc ra đi hay ở lại. Vì bởi lẽ, khi muốn nghỉ việc, người lao động phải có thời gian báo trước là 30 ngày (đối với hợp đồng lao động có thời hạn) hoặc 45 ngày (đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn). Nhân viên ngân hàng thường nắm rõ các quy định này để chọn "điểm rơi" phù hợp với nhu cầu nhà tuyển dụng mới. Và thông thường, những ngày giáp hoặc sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm vẫn là thời điểm nhân viên ngân hàng chính thức "di cư" nhiều nhất.
Có một thực tế, ngoại trừ các trường hợp nghỉ việc để kinh doanh tự do, khởi nghiệp cá nhân, buôn bán nhỏ ở gia đình; còn nếu tiếp tục cuộc đời làm công ăn lương thì đa phần những người nhảy việc từ các ngân hàng đều chọn một ngân hàng khác chứ ít khi là một doanh nghiệp ngoài ngành. Bởi lẽ, các nhân viên ngân hàng càng có kinh nghiệm thì càng rất khó để làm các công việc khác ngoài công việc ngân hàng. Vì tác nghiệp trong ngân hàng hoàn toàn khác tại các doanh nghiệp. Tác nghiệp ngân hàng đòi hỏi tính chuyên sâu trong phạm vi hẹp. Và những người làm ngân hàng, vì tính chất công việc với tính tuân thủ cao với những yêu cầu khắt khe về quy định và chứng từ nên thường không thể linh động trong xử lý như các doanh nghiệp khác.
Về nguyên nhân dẫn đến việc nhân viên ngân hàng nhảy việc thì có rất nhiều. Nhưng tựu chung có thể kể đến một số nguyên nhân chính như sau:
Thứ nhất, do áp lực công việc quá nhiều nhưng chế độ phúc lợi, lương, thưởng Tết thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc nhảy việc của nhân viên ngân hàng. Trong những năm gần đây, các ngân hàng thực hiện tái cấu trúc mô hình hoạt động theo hướng tinh giảm biên chế nhằm nâng cao năng suất lao động. Từ đó, công việc tại các ngân hàng gần như vắt hết sức lực của nhân viên với bộ KPIs quá cao và quy trình nghiệp vụ đòi hỏi quá nhiều thao tác, khối lượng công việc tăng lên gấp bội nhưng nhân sự lại giảm. Vì vậy, những ngân hàng với chế độ tiền lương và phúc lợi thấp sẽ là những ngân hàng có biến động nhân sự nhiều nhất.
Thứ hai, vấn đề rủi ro tác nghiệp vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với các nhân viên ngân hàng. Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc nhân viên ngân hàng bị truy tố liên quan đến quy trình nghiệp vụ, trong đó có những trường hợp do lỗi chủ quan và khách quan, vô ý cũng như cố ý. Và có lẽ, đứng trước nhiều rủi ro đang rình rập, nhiều nhân viên ngân hàng càng thêm cân nhắc về công việc hiện tại của mình?
Thứ ba, đó là về môi trường làm việc và văn hóa giao tiếp tại các ngân hàng. Có nhiều cán bộ, nhân viên ngân hàng không hài lòng về môi trường làm việc xuề xòa, thiếu chuyên nghiệp, bè phái nên nản và ra đi. Nhưng cũng có nhiều trường hợp không đạt KPIs, không thích nghi được với môi trường làm việc nghiêm túc với sự chỉn chu và cần sự chính xác cao nên không thể trụ lại và phải chọn một ngân hàng khác với yêu cầu thấp hơn.
Thứ tư, về cơ hội thăng tiến, nhiều nhân viên ngân hàng nghỉ việc vì mong muốn tìm kiếm một cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, đảm nhận các vị trí cao hơn. Đây là có lẽ là lý do theo tác giả là phù hợp nhất trong số các lý do nhảy việc của nhân viên ngân hàng. Đối với các ngân hàng có sự ổn định nhân sự hoặc ít được mở rộng mạng lưới thì cơ hội phát triển cho nhân viên cấp dưới là gần như không có. Và điều đó cũng dễ hiểu khi các nhân viên giỏi kiếm tiền các vị trí khác tại các ngân hàng bạn.
Thứ năm, nhiều nhân viên ngân hàng nhảy việc mà không biết được lý do cụ thể. Đó là những trường hợp chưa có lập trường, nghỉ việc theo trào lưu hoặc vì quyến luyến một đồng nghiệp nào đó đã nghỉ việc mà nghỉ việc theo chứ không có định hướng nghề nghiệp và mục tiêu phấn đấu rõ ràng. Hoặc cũng có thể vì lòng tự ái nhất thời, vì cái tôi của bạn quá lớn khi bị sếp lỡ lời rầy la khi bạn sai sót hoặc chưa đạt KPIs. Đây là các trường hợp nghỉ việc có phần tiêu cực, thiếu trách nhiệm với gia đình và bản thân.
Ra đi hay ở lại là ở chính bản thân mình
Vẫn biết rằng "khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra...". Nhưng "cửa" có thật sự mở ra cho bạn một chân trời như bạn hằng mơ ước là tùy thuộc vào năng lực và sự lựa chọn của bạn. Đương nhiên, cuộc sống luôn vận động và rất cần những sự thay đổi cần thiết. Nhưng sự thay đổi công việc là vấn đề mà nhân viên ngân hàng nên cân nhắc và thận trọng. Nếu bạn chuyển sang một ngân hàng mới mà không có thay đổi về lương hay chức vụ so với công việc hiện tại thì hãy thật bình tĩnh và sáng suốt trước khi quyết định. Và bạn cũng đừng kỳ vọng quá nhiều ở một ngân hàng mới sẽ cho bạn một môi trường làm việc tốt hơn.
Khi gặp áp lực hay khó khăn trong công việc, không hoàn thành chỉ tiêu hoặc bị cấp trên rầy la vài lời, thay vì nghĩ đến lá đơn xin nghỉ việc, tại sao bạn không nghĩ đến cách tốt nhất để vượt lên áp lực đó và đạt kết quả công việc tốt hơn? Trước khi nghĩ đến hai từ "nghỉ việc", bạn hãy hỏi mình đã cố gắng hết tâm sức cho công việc hay chưa? Nếu cứ gặp khó khăn, áp lực là làm bạn với lá đơn xin nghỉ việc thì có lẽ bạn không phù hợp để làm việc trong ngân hàng. Lúc này, bạn nên lắng nghe tiếng nói của bản thân mình, là thực sự cần gì và muốn gì trong công việc?
Những người nghỉ việc vì bất mãn tiêu cực thường nghĩ rằng nếu không có mình thì ngân hàng sẽ khó khăn và không thể vận hành công việc bình thường được. Đương nhiên, không có bạn thì ngân hàng sẽ có chút khó khăn ban đầu. Nhưng bạn nên nhớ rằng, trước khi bạn bước vào ngân hàng thì ngân hàng cũng hoạt động tốt. Các ngân hàng thường có từ vài ngàn đến vài chục ngàn cán bộ nhân viên, nên khi vắng bạn cũng không là điều quá to tát.
Trong giai đoạn ngân hàng khó khăn, những nhân viên gắn bó, cùng kề vai sát cánh với đồng nghiệp vượt qua biến cố là điều mà các ngân hàng luôn trân trọng. Có thể ai đó sẽ cho rằng những người ở lại là những "con chiên ngoan đạo" hay kém năng lực, không ngân hàng nào thuê mới an phận ở lại. Nhân viên ngân hàng bản lĩnh phải là người biết đứng trên đôi chân của mình để cố gắng và cống hiến cho đơn vị. Và tôi tin rằng, khi nhân viên ngân hàng bước qua tuổi 30, các bạn sẽ đủ chín chắn để có những quyết định phù hợp. Và nhân viên ngân hàng đừng đong đưa, nhảy việc như thời tuổi ô mai ngây dại mà không định hướng. Còn đối với các nhà băng, tôi tin rằng với bề dày kinh nghiệm của mình, các ngân hàng sẽ biết làm gì để giữ chân những nhân viên tích cực.
Trở lại vấn đề ra đi hay ở lại, tác giả tin rằng đây là thời điểm mà nhân viên ngành ngân hàng đang cân đong và cân nhắc. Đi hay ở đều phải xuất phát từ định hướng phát triển nghề nghiệp, từ hoài bão và ước mơ của bạn. Nhưng dù ra đi hay ở lại, bạn hãy thể hiện hết trách nhiệm của mình bằng những hành động tử tế. Khi bạn đến ngân hàng bằng một nụ cười thì khi bạn ra đi hãy để lại một nụ cười. Những người ở lại, đương nhiên sẽ có khó khăn lúc đầu, nhưng bạn hãy vững tin mọi sự cố gắng đều được ghi nhận xứng đáng. Và đi hay ở là quyền của bạn!
Theo Trí Thức Trẻ
from Kinh Te Viet Nam http://cafebiz.vn/nhan-vien-ngan-hang-cuoi-nam-di-hay-o-20181231105231088.chn
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét