Thanh toán không dùng tiền mặt 'về' vùng sâu vùng xa
tháng 12 30, 2018Khách hàng thanh toán bằng thẻ khi mua rau củ, thực phẩm - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Nhiều ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thí điểm kết hợp với các đơn vị công nghệ thông tin, viễn thông triển khai một số dịch vụ thanh toán tới tận khu vực vùng sâu vùng xa, giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân.
Một trong những cơ sở để ngân hàng có thể đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ra vùng nông thôn là tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam hiện rất cao, ngay cả tại nông thôn.
Ông Trần Thành Nam, giám đốc Công ty công nghệ và dịch vụ Moca, cho rằng trong các hoạt động thường ngày, người dùng gần như không thể rời mắt khỏi điện thoại thông minh và đây chính là lý do vì sao các công ty công nghệ thời gian qua liên tục chạy đua đưa ứng dụng vào điện thoại để tăng tiếp cận các đối tượng khách.
"Về phía các ngân hàng, từ chỗ rất ngại ngần khi tiếp xúc với các ứng dụng này giờ đã cởi mở hơn và mạnh dạn tham gia hình thức thanh toán di động" - ông Nam nói.
Thực tế, qua ghi nhận, tại thị trường nông thôn, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển khá nhanh, nhất là hình thức chuyển tiền, ví điện tử...
Tuy nhiên, trên thực tế các ngân hàng cũng gặp một số rào cản nhất định. Ông Trần Quốc Anh, giám đốc khối khách hàng cá nhân HDBank, cho biết ngân hàng nhìn ra tiềm năng của các hình thức thanh toán di động nhưng vẫn vướng ở pháp lý.
Ngân hàng băn khoăn ở chỗ làm sao để mở tài khoản cho khách hàng nhanh nhất, tiện nhất nhưng vẫn đảm bảo lưu trữ, xác thực... Đó là lý do vì sao đến nay các ngân hàng vẫn mở chi nhánh, phòng giao dịch chứ "ngân hàng số" chưa thể thay thế.
Về phía người dùng, để thúc đẩy người dùng, đặc biệt là người dùng mới, người dùng ở nông thôn tin tưởng, sử dụng các phương thức thanh toán mới thay thế thanh toán tiền mặt, ông Nguyễn Hữu Phúc, giám đốc khối sản phẩm thị trường Việt Nam - Lào - Campuchia thuộc Tập đoàn Visa, cho rằng phải giảm thiểu rủi ro trong quá trình thanh toán, giao dịch.
Trong khi một số chuyên gia khác thì cho rằng quan trọng nhất là trải nghiệm người dùng, nghĩa là làm sao cho họ thấy thoải mái, tiện lợi khi thanh toán qua hình thức mới. Một khi thấy thoải mái thì họ sẽ dần chuyển đổi sang hình thức thanh toán mới.
Nói cách khác, xu hướng thanh toán mới sẽ do người dùng quyết định. Nhưng về phía các bộ ngành cũng cần có thêm các chính sách để khuyến khích, thúc đẩy.
A.H. - L.THANH
from Kinh Te Viet Nam https://tuoitre.vn/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-ve-vung-sau-vung-xa-20181231083912463.htm
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét