'GDP bình quân trên 2.000 USD, dân không thể mua điện giá cao'
tháng 1 03, 2019Phó Thủ tướng yêu cầu không để giá điện tăng quá cao - Ảnh: N.A
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo như vậy tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sáng 3-1.
Theo Phó Thủ tướng, đến nay tổng công suất của EVN và các đơn vị đạt 28.164 MW, chiếm 58% tổng nguồn điện. Hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả với công ty mẹ lãi khoảng 900 tỉ đồng và nộp ngân sách trên 20.000 tỉ đồng, chủ động tái cơ cấu các đơn vị...
Lãi 900 tỉ, không tăng giá điện quá cao
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ngành điện nói chung, trong đó EVN đang phải đối mặt thách thức lớn là nguy cơ thiếu điện. Bởi điện hạt nhân dừng hoạt động nên phải trông chờ nguồn điện khí, nhiệt điện và năng lượng tái tạo.
Phó Thủ tướng lưu ý nếu áp dụng mức giá cao thì cuối cùng người dân phải chịu. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải đủ điện nhưng giá điện phải hợp lý, người dân doanh nghiệp phải chịu đựng được.
"Phải có cơ cấu nguồn hợp lý, làm sao để trong điều kiện GDP bình quân đầu người mới hơn 2.000 USD, sức mua còn thấp, người dân không thể mua điện giá cao" - ông Dũng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn cần phải có sự bứt phá, tập trung làm thế nào để đầu tư phát triển mạnh nguồn điện và hệ thống truyền tải điện, không để thiếu điện, nhưng vẫn đảm bảo đảm bảo vệ môi trường.
Trước đó, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cũng cho biết năm 2018 những khó khăn đặt ra với tập đoàn như nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao hơn so với kế hoạch 2,4 tỷ kWh, tại miền Nam thiếu hụt nguồn cấp trầm trọng. Nguồn cung nhiên liệu than, khí đều thấp hơn kế hoạch, huy động nguồn từ thủy điện khó khăn.
Đặc biệt, một số chi phí đầu vào tăng cao như: giá than nhập khẩu, dầu, biến động tỷ giá... làm chi phí mua điện của Tập đoàn tăng 7.011 tỉ đồng và chênh lệch tỷ giá đánh giá lại cuối kỳ tăng trên 4.000 tỉ đồng.
Nhiều dự án điện gặp khó do công tác thu xếp vốn, một số văn bản pháp luật thiếu đồng bộ, việc giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Về tình hình hoạt động năm 2019, ông Tài Anh cho biết nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, tuy nhiên hệ thống điện hầu như không có dự phòng. Trong khi đó, việc đảm bảo cung ứng điện ngoài EVN còn phụ thuộc vào nhiều nhà máy ngoài EVN.
Chi phí đầu vào tăng 7011 tỉ đồng, tính mua điện Lào, Trung Quốc
Các nhà máy thủy điện miền Trung không tích đủ nước dẫn tới với sản lượng thủy điện thiếu hụt khoảng 2,56 tỷ kWh; việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện tiềm ẩn rủi ro như khả năng cấp than thấp hơn nhu cầu gần 8 triệu tấn, nguồn khí trong nước đã suy giảm mạnh, nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao ảnh hưởng đến an toàn, ổn định hệ thống điện.
Nhiều yếu tố thị trường đầu vào của sản xuất điện biến động theo xu hướng bất lợi, trong đó giá than, giá khí trong bao tiêu dự kiến tăng trong năm 2019. Dự kiến phải huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 2,4-7 tỉ kWh.
Chưa kể, nhu cầu vốn các dự án điện rất lớn, nhưng việc thu xếp vốn tiếp tục khó khăn. Quá trình tái cơ cấu, sắp xếp các đơn vị, bố trí lại lực lượng lao động... sẽ diễn ra ở nhiều đơn vị.
Theo đó, chỉ tiêu được EVN đặt ra là điện sản xuất và mua: 232,5 tỉ kWh tăng 9,2% so với năm 2018. Sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn, các đơn vị đảm bảo có lợi nhuận.
Tuy nhiên, để đảm bảo cung cấp điện, EVN kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ vướng mắc để triển khai các dự án nguồn điện đảm bảo tiến độ, đảm bảo cung cấp khí...
Kiến nghị Bộ Công Thương sớm phê duyệt biểu đồ cung cấp than cho nhiệt điện, sớm thông qua và trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện các nguồn điện tại Lào và Trung Quốc đã được EVN trình trong năm 2018.
from Kinh Te Viet Nam https://tuoitre.vn/gdp-binh-quan-tren-2-000-usd-dan-khong-the-mua-dien-gia-cao-2019010311425723.htm
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét