Nhìn phân đoán bệnh của trẻ
tháng 1 02, 2019Ảnh minh họa. Nguồn: BV Nhi Trung ương
Phần lớn biến đổi của phân ở trẻ em đều bắt nguồn từ thay đổi chế độ ăn. Điều chỉnh ăn uống có thể làm thay đổi màu sắc, mùi, mật độ và khối lượng phân. Nhiều loại thuốc uống cũng ảnh hưởng tới hình thức của nó. Nếu bé đang dùng thuốc, hãy hỏi bác sĩ liệu thuốc đó có khiến phân trở nên khác thường hay không. Trong một số trường hợp, cần đưa bé đi khám nếu thấy phân bất thường kéo dài vài ngày.
Phân sáng màu
Trẻ bú mẹ thường đi ngoài phân vàng tươi như màu hoa cải. Phân cũng có thể lỏng và có màu xanh. Đây là chuyện rất bình thường, không đáng lo ngại.
Ở trẻ lớn hơn, phân xanh và lỏng lại là dấu hiệu của viêm dạ dày ruột, còn gọi là nhiễm trùng đường tiêu hóa. Lúc này cần đưa bé đi khám bác sĩ.
Phân nhạt màu
Phân nhạt màu, hơi trắng, có thể là dấu hiệu của tắc ống dẫn mật, một dị tật bẩm sinh.
Phân nổi bập bềnh, có mùi hôi, có thể là dấu hiệu của chứng khó hấp thu. Hiện tượng này xảy ra khi hệ thống tiêu hóa không hấp thu đủ chất dinh dưỡng. Nguyên nhân có thể do bé không dung nạp, khó tiêu hóa hoặc dị ứng với thực phẩm nào đó.
Nếu con bạn đi ngoài phân nhạt màu, da và lòng trắng mắt bị vàng, nước tiểu sẫm màu, cần đưa bé đi khám để loại trừ bệnh viêm gan.
Phân lẫn máu
Phân dính chút máu tươi thường gặp ở trẻ táo bón, phải rặn khi đi ngoài.
Phân lẫn máu hoặc nhầy có thể là dấu hiệu mắc bệnh nhiễm trùng. Đó cũng có thể là biểu hiện của chứng viêm ở đại tràng hay trực tràng.
Nếu bé đi ngoài phân màu đỏ, sền sệt như thạch thì cần đưa đi khám ngay. Thông báo với bác sĩ nếu thấy bé đau dữ dội ở bụng và trông rất nhợt nhạt. Đây có thể là biểu hiện của chứng tắc ruột.
Cần đưa bé đi khám khi:
- Bé có vẻ mệt mỏi, màu sắc phân không trở lại bình thường sau vài ngày.
- Đi ngoài ra máu mà không hề táo bón.
- Phân nhợt màu kéo dài.
- Đi ngoài phân xanh và lỏng, thể trạng mệt mỏi, kèm theo các biểu hiện bệnh lý khác.
- Đi ngoài phân xanh và lỏng trong khi đang bú bình hoàn toàn, không bú mẹ.
Cần đưa bé đi khám cấp cứu khi:
- Đi ngoài phân màu đỏ, sền sệt như thạch. Chú ý không cho trẻ ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì trong khi đợi cấp cứu.
- Da hay lòng trắng mắt bị vàng.
- Nước tiểu sẫm màu (vàng nâu hoặc đen).
- Phân có màu bất thường sau khi dùng thuốc./.
Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương (Bộ Y tế)
from Kinh Te Viet Nam https://tuoitre.vn/nhin-phan-doan-benh-cua-tre-20190102143112879.htm
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét