Những doanh nghiệp vệ tinh của Samsung và chuyện của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam
tháng 1 20, 2019Đằng sau những vendor cấp 1 cho Samsung
Goldsun hợp tác với Samsung từ năm 2010. Khoảng 20% vỏ hộp điện thoại Samsung, cho đến thời điểm hiện tại, là do doanh nghiệp này cung cấp.
Một chiếc vỏ điện thoại có giá khoảng 2 USD, tương ứng 0,2% giá trị chiếc điện thoại giá thành 1.0000 USD khi bán ra. Với mức 0,2% giá trị và 20% thị phần, doanh nghiệp Việt đóng góp được 0,04% giá trị điện thoại.
Sự đóng góp là rất nhỏ nhưng để chen chân vào chuỗi cung ứng của Samsung, doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều công sức, chưa kể có thể bị thay thế bất cứ khi nào. Goldsun cho biết doanh nghiệp đang phải cạnh tranh với ít nhất 5 đơn vị cung ứng khác trong lĩnh vực này, bao gồm 1 doanh nghiệp nội địa và 4 doanh nghiệp ngoại.
Để trở thành đối tác của Samsung, đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh phải đầu tư lớn và phải làm hết sức mình. Bởi với tiêu chí đo lường chặt chẽ của Samsung, nếu doanh nghiệp không làm thật, sẽ bị đánh bật. Ngoài ra, Samsung còn yêu cầu các doanh nghiệp trong chuỗi phải chú trọng đến cả môi trường lao động cũng như các vấn đề về quyền con người.
Cũng là một trong số những doanh nghiệp nội địa hiếm hoi trở thành vendor cấp 1 cho Samsung, CTCP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên đang cung ứng một số mặt hàng cho tổ hợp các sản phẩm điện tử và điện gia dụng cho Samsung Electronics HCMC CE.
Chất lượng đầu ra cũng được doanh nghiệp này khẳng định là tiêu chí quan trọng nhất, việc quản lý phải đảm bảo gần như 100% sản phẩm không được lỗi. Ví dụ như đối với yếu tố đầu vào, để đảm bảo, nhà cung cấp nguyên liệu liệu của cho Minh Nguyên là nhà cung ứng cấp 2 của Samsung.
Lời giải cho doanh nghiệp Việt muốn vào chuỗi cung ứng
Trở thành nhà cung ứng của Samsung gần như là mơ ước của rất nhiều doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tổng cộng số doanh nghiệp nội địa trở thành vendor cấp 1 là 29. Con số này ở thời điểm năm 2014 chỉ là 1. Dự kiến, số lượng vendor cấp 1 nội địa sẽ tăng thành 50 vào năm 2020.
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chủ yếu là phục vụ cho sản xuất xe máy cho các doanh nghiệp Nhật Bản. "Từ linh kiện xe máy sang linh kiện điện tử là khác hẳn", bà nói và cho biết cách hợp tác với doanh nghiệp Nhật và Hàn cũng khác nhau.
"Nhật Bản khi vào Việt Nam mở thị trường và họ nắm bắt thị trường. Xe máy là chỉ bán ở nội địa vì cồng kềnh, còn điện tử là xuất toàn cầu, yêu cầu rất khác, nhập khẩu cũng rất dễ nên muốn bán cho Samsung phải vừa rẻ, vừa tinh nhuệ và sản lượng lớn, đáp ứng mọi sự thay đổi của họ. Mà họ thay đổi rất nhanh, không giới hạn bất cứ điều gì. Còn Nhật Bản mới vào hứa hẹn nhiều", bà nói.
Việc nhiều doanh nghiệp Việt vẫn quen với cách làm cũ được hiểu là điểm yếu chí mạng. Bà Bình nhấn mạnh "cả thế giới đang mua bán kiểu khác, còn Việt Nam thì cứ phải hứa, phải cam kết tiêu thụ mới đầu tư".
Do vậy, đối với Samsung, theo bà Bình, doanh nghiệp phải dám chấp nhận rủi ro, chơi lớn để đạt yêu cầu mới có thể thành công. "Thậm chí những sản phẩm nếu không bán được cho Samsung Việt Nam vẫn có thể bán cho Samsung toàn cầu", bà nói
Ông Phạm Mạnh Thắng, Giám đốc công ty TNHH tư vấn giải pháp quản lý năng suất chất lượng có cái nhìn lạc quan hơn khi chỉ ra một số lợi thế của doanh nghiệp Việt trong thời điểm hiện tại. Cụ thể, ông nói rằng chưa bao giờ Nhà nước lại có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như vậy. Bộ Khoa học Công nghệ, Kế hoạch Đầu tư…các chương trình hỗ trợ Nhật Bản, Hàn Quốc, World Bank… cung cấp cho doanh nghiệp nền tảng để phát triển.
Bên cạnh đó, về mặt nhân sự, mặc dù thiếu yếu và thay đổi nhanh nhưng phần lớn doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ đều cởi mở. "Nếu tiếp cận phù hợp thì là lợi thế mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được", ông nói.
Đối với ngành công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng đây là nền tảng thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp. Ông nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng 4.0, Việt Nam không được phép tiếp tục có những độ trễ lâu hơn nữa.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đã báo cáo Thủ tướng về việc cần thiết phải hình thành những trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, trước mắt là tại 3 trung tâm kinh tế lớn ở Bắc - Trung - Nam.
"Những khu vực này, trung tâm này không chỉ tập trung vào giới thiệu công nghệ và hỗ trợ điều kiện tiếp cận công nghệ thông qua hợp tác quốc tế và chính sách của Chính phủ nói chung mà còn hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển R&D phát triển để từ đó những trung tâm này sẽ đóng góp cả vào phát triển về giá trị gia tăng", ông nói.
Trí Thức Trẻ
from Kinh Te Viet Nam http://cafebiz.vn/nhung-doanh-nghiep-ve-tinh-cua-samsung-va-chuyen-cua-nganh-cong-nghiep-phu-tro-viet-nam-20190120175425968.chn
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét