Vì sao cả thế giới không thể sử dụng một đồng tiền chung duy nhất?
tháng 1 03, 2019Dĩ nhiên là nếu có một loại tiền tệ chung cho cả toàn cầu thì sẽ loại bỏ các vấn đề như thao túng giá trị tiền tệ có chủ ý, có thể làm cho giá cả minh bạch và loại bỏ phí giao dịch khi chuyển ra nước ngoài.
Trên thực tế, những lợi ích của một đồng tiền chung cho cả thế giới là một trong những lập luận cho sự ra đời của bitcoin.
Tuy nhiên, theo logic thì ý tưởng này là không thực tế.
Đặc biệt, sẽ không có lợi ích hữu hình cho chính phủ Mỹ để họ chuyển sang một loại tiền tệ toàn cầu duy nhất.
Đó là theo phát biểu của Scott Galit, CEO của Payoneer, startup xử lý thanh toán toàn cầu được xem là một trong những công ty đột phá nhất năm 2018 theo bình chọn của CNBC.
"Mặc dù có rất nhiều người trong thế giới Internet tỏ ra quan tâm vì họ thích ý tưởng về thương mại không bị cản trở và tránh dùng các loại tiền tệ thật, nhưng tôi hiện không thấy được điều đó", Galit nói với CNBC về ý tưởng về một loại tiền tệ toàn cầu trong tương lai.
Thứ nhất, Galit nói rằng rất khó có khả năng chính phủ Mỹ sẽ cho phép mọi người đóng thuế của họ bằng một thứ gì đó như bitcoin, bởi vì điều đó có nghĩa là tiền của chính phủ sẽ chịu sự biến động của tỷ giá hối đoái của loại tiền kỹ thuật số đó.
Chẳng hạn, tính đến tháng 12, bitcoin đã mất khoảng 2/3 giá trị so với đầu năm 2018, theo CoinMarketCap. Nếu điều đó xảy ra với tiền của chính phủ, thì nó sẽ không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của nó, theo Payoneer.
Payoneer thấy "sự tăng trưởng bền vững" trong việc bán hàng xuyên biên giới
"Bây giờ bạn có thể tranh luận về việc thuế có công bằng hay không, hoặc về bất cứ điều gì, nhưng chúng là một thực tế. Sẽ có thuế vì các chính phủ cần có nguồn thu. Các quốc gia thực sự cần có nguồn thu thuế để tài trợ cho các dịch vụ dành cho cư dân của họ", Galit nói.
Tuy vậy, khi nói đến chính quyền tiểu bang, một số thái độ có thể đang thay đổi. Ohio đã trở thành tiểu bang đầu tiên ở Mỹ cho phép thanh toán một số hóa đơn thuế nhất định bằng bitcoin, nhưng thanh toán vẫn cần phải được thực hiện qua trang web www.OhioCrypto.com, nơi chuyển bitcoin thành tiền mặt, và sau đó chính phủ sẽ tiếp nhận.
Arizona, Georgia và Illinois thì đang lên kế hoạch đưa ra các hóa đơn cho phép bitcoin được sử dụng để đóng thuế theo cách tương tự bang Ohio, Wall Street Journal cho biết.
Ngoài thuế, Galit cho rằng Hệ thống dự trữ liên bang Mỹ là một trở ngại.
Theo trang web của Cục dự trữ liên bang (Fed), "Fed tồn tại để thúc đẩy sự ổn định của hệ thống tài chính, giảm thiểu và kiểm soát các rủi ro hệ thống thông qua sự giám sát và tham gia tích cực vào những nhiệm vụ khác ở Mỹ và nước ngoài".
Đòn bẩy mạnh mẽ nhất của Fed đối với nền kinh tế Mỹ là lãi suất liên bang. Nếu Fed tăng lãi suất, việc vay tiền sẽ trở nên đắt đỏ hơn trong nền kinh tế Mỹ, do đó sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng. Mặt khác, nếu Fed hạ lãi suất, việc vay tiền trở nên rẻ hơn, từ đó thúc đẩy nền kinh tế.
Nếu một ngân hàng trung ương không có khả năng kiểm soát đồng nội tệ cho người dân ở quốc gia đó, thì bị xem là bất lực. Và hầu hết các quốc gia đều có ngân hàng trung ương của riêng mình.
"Các ngân hàng trung ương có mặt ở đó để thực sự giúp quản lý các nền kinh tế. Một phần trong đó là quản lý tiền tệ theo lãi suất cho vay và tỷ giá hối đoái.
Nếu bạn không thực sự có quyền kiểm soát đối với một loại tiền tệ, nghĩa là mất đi một trong những công cụ chính sách chính mà bạn có, vậy bạn sẽ làm gì?", Galit nêu quan điểm.
Payoneer hiện giúp khách hàng nhận thanh toán từ hơn 200 quốc gia trên thế giới và họ kiếm tiền bằng cách tính phí rút tiền cũng như cung cấp các dịch vụ tài chính khác. Do đó, họ có "phần" trong trò chơi tiền tệ này.
Tuy nhiên, không chỉ có một mình Galit tỏ ra hoài nghi. Các chuyên gia khác cũng đồng ý rằng một loại tiền tệ chung cho cả thế giới là điều không thực tế và không có khả năng sớm xảy ra.
Dẫu vậy, cũng có những người không đồng tình với Galit. Hồi tháng 3, Jack Dorsey, CEO của Twitter nói với Sunday Times rằng ông hy vọng bitcoin sẽ trở thành loại tiền tệ phổ quát duy nhất trong vòng một thập niên tới, nhưng điều đó có thể diễn ra nhanh hơn.
Đồng sáng lập Apple, Steve Wozniak, ít nhất cũng hy vọng rằng điều này sẽ đúng. "Tôi tin những gì Jack Dorsey nói, không phải là vì tôi tin rằng điều đó sẽ xảy ra, nhưng vì tôi muốn nó diễn ra như vậy, đó là suy nghĩ rất thuần khiết", Wozniak nói với CNBC hồi tháng 6.
Về phần mình, Galit tỏ ra chắc chắn: "Thực tế là sẽ có những hạn chế và trở ngại rất khó để mọi người vượt qua".
Thời Đại
from Kinh Te Viet Nam http://cafebiz.vn/vi-sao-ca-the-gioi-khong-the-su-dung-mot-dong-tien-chung-duy-nhat-20190103171404666.chn
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét