Áp thuế tài sản bất minh là thừa nhận hợp pháp, 'gật đầu ăn chia'
tháng 5 31, 2018Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) - Ảnh: Quochoi.vn
Theo đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên), quy định đánh thuế thu nhập 45% đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc là rất khó khả thi và bất hợp lý.
Phải ngăn chặn từ trong suy nghĩ
Bà Dung cho rằng tài sản được chứng minh là hợp pháp thì đã có các quy định khác chế tài nghĩa vụ tài chính đối với người sở hữu, nhưng loại tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì không thể luật hóa việc đánh thuế.
"Làm như thế có nghĩa là luật pháp đã thừa nhận đó là tài sản hợp pháp, rồi sẽ chịu thuế. Chúng ta không thể quy định như vậy", bà Dung kiên quyết.
Theo đại biểu Điện Biên, trong trường hợp phát hiện cán bộ thuộc diện phải kê khai tài sản và thu nhập mà kê khai không trung thực hoặc có những tài sản bất hợp pháp thì nên áp dụng các hình thức xử lý về hành chính hoặc các mức kỷ luật.
Bà Dung cho rằng để xảy ra chuyện có tài sản không được kê khai đầy đủ, trung thực là do ngay từ ban đầu, việc quán triệt cho từng cán về công tác kê khai đã không thấu đáo, thông suốt. Đại biểu Điện Biên cũng cho rằng cần mở rộng kê khai với cả các đối tượng làm việc ở các lĩnh vực dễ phát sinh thu nhập bất minh như kế toán, ngân hàng...
Bà Dung nêu ví dụ về trường hợp của Huỳnh Thị Huyền Như xảy ra tại Ngân hàng Vietinbank, dù không thuộc diện có phụ cấp nhưng vẫn thực hiện được các hành vi sai phạm.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cũng thấy quy định áp thuế 45% với tài sản không chứng minh được nguồn gốc là một "sơ hở" của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.
"Điều này giống như việc Nhà nước mở ra hình thức 'ăn chia' tài sản không rõ nguồn gốc với người có nghĩa vụ chứng minh. Đối với loại tài sản đó, quan điểm của tôi là cứ cho thu hồi", đại biểu Bạc Liêu nhấn mạnh.
Ông Tạ Văn Hạ cũng cho rằng trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi tham nhũng, không thể đặt điều kiện "chủ động khai báo về hành vi tham nhũng khi mà cơ quan chức năng chưa phát hiện" làm cơ sở miễn trừ, miễn truy tố hoặc áp dụng các hình thức giảm nhẹ khác.
"Anh giết người, ăn trộm rồi về khai báo mà vì lí do đó được giảm nhẹ là không chuẩn. Pháp luật phải nghiêm, ngăn chặn từ trong suy nghĩ của người có ý định làm điều phạm pháp, có như vậy mới hiệu quả", đại biểu Hạ nói.
Tài sản cho tặng xử lý thế nào?
Một vấn đề "oái oăm" trong dự thảo luật, cũng liên quan đến chuyện tài sản không chứng minh được nguồn gốc, được các đại biểu mổ xẻ nhiều là làm thế nào chứng minh tài sản đó là "không có nguồn gốc".
Đại biểu Trần Văn Sơn (Điện Biên) nêu thực tế rằng cán bộ, công chức hiện nay không chỉ có tài sản từ lương mà còn từ rất nhiều nguồn khác, trong đó không phải nguồn nào cũng rõ nguồn gốc.
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái - Ảnh: QUANG VINH
Ông Sơn lấy ví dụ "một bà mẹ giàu có đến phút lâm chung chỉ có thể thều thào nói để lại tài sản cho con", không thể lập thành di chúc, không có cách gì chứng minh nguồn gốc tài sản là hợp lý.
"Về tình thì tài sản đó hợp pháp nhưng lí thì không chứng minh được. Giả sử người con đó thuộc diện phải chứng minh thu nhập, tài sản thì giải quyết thế nào khi cơ quan chức năng yêu cầu giải trình?", ông Sơn đặt câu hỏi.
Trao đổi lại với đại biểu, tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh phải có chế tài để xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp lý, nhưng chưa thể nói là tài sản bất hợp pháp, bất minh.
"Hiện nay, có những tài sản hình thành trong điều kiện thực tế và những trường hợp cho, biếu, tặng, làm thêm… Loại tài sản này chứng minh được thì sẽ không khẳng định là bất hợp pháp. Ngược lại, nếu cá nhân không chứng minh được là tài sản bất hợp pháp thì coi như là hợp pháp, và chưa chứng minh được là hợp lý thì là chưa hợp lý", ông Khái nói.
from Kinh Te Viet Nam https://tuoitre.vn/ap-thue-tai-san-bat-minh-la-thua-nhan-hop-phap-gat-dau-an-chia-20180531173119717.htm
via CafeBiz and Tuoi Tre
0 nhận xét